Thứ ba, 19/03/2024 09:44 Sáng (GMT+7)

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ - CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ MIỀN TRUNG

Tại sao đầu tư vào miền Trung?

1. Vị trí chiến lược

 

Trải dài trên 1.500 km bờ biển, miền Trung Việt Nam có vị trí địa lý rất lý tưởng, cách đều hai trung tâm kinh tế lớn của cả nước (Hà Nội, TP. HCM), nằm trên trục giao thông quốc gia Bắc - Nam về cả đường sắt, đường bộ, đường biển và đường hàng không, đồng thời gần các tuyến hàng hải, vận tải biển quốc tế. Đặc biệt, khu vực này là điểm cuối của tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC), dài 1.450 km nối từ Myanmar qua Thái Lan và Lào, cửa ngỏ quan trọng ra biển Đông của các quốc gia tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS). Do vậy, miền Trung Việt Nam có lợi thế so sánh để phát triển một số ngành kinh tế biển có thể tạo động lực cho sự phát triển của khu vực như dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, dịch vụ logistics (gồm cả trung chuyển tại sân bay và cảng biển), đầu tư kinh doanh các resort, khu du lịch - dịch vụ cao cấp ven biển…

 

Cảng Đà Nẵng - Điểm cuối của tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC)

2. Cơ sở hạ tầng đang phát triển

Miền Trung Việt Nam là nơi tập trung hàng loạt sân bay đang được đầu tư nâng cấp, trong đó có 03 sân bay quốc tế là Đà Nẵng (lớn thứ 3 của cả nước), Cam Ranh (Khánh Hòa) và Phú Bài (Thừa Thiên - Huế), cùng nhiều sân bay quốc nội khác như Chu Lai (Quảng Nam), Phù Cát (Bình Định), Đông Tác (Phú Yên),  Pleiku (Gia Lai) và Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk). Riêng Chu Lai được Chính phủ quy hoạch phát triển thành Cảng hàng không trung chuyển quốc tế của Việt Nam và khu vực.

Với lợi thế bờ biển dài với nhiều vịnh nước sâu, miền Trung Việt Nam sẵn có nhiều cảng biển đã và đang được đầu tư nâng cấp và hoàn thiện về hạ tầng bao gồm Tiên Sa (Đà Nẵng), Quy Nhơn (Bình Định), Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), Kỳ Hà (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Vũng Rô (Phú Yên), Cam Ranh và cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (Khánh Hoà).

Miền Trung Việt Nam đã hình thành một hệ thống đô thị đang phát triển nhanh với các thành phố lớn Đà Nẵng, Huế và Nha Trang. Khu vực này có 01 khu công nghệ cao Đà Nẵng (cả nước có 03 khu công nghệ cao), tập trung hàng loạt Khu kinh tế trọng điểm của cả nước như Đông Nam Quảng Trị, Chân Mây Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Nam Phú Yên, Vân Phong, các khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y, Lao Bảo, Lệ Thanh, Nam Giang, A Đớt…và gần 50 Khu công nghiệp với cơ sở hạ tầng đang được nâng cấp và hoàn thiện, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.

 

 3. Chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư hấp dẫn

Có thể nói miền Trung Việt Nam là nơi tập trung hầu hết các khu kinh tế, khu công nghiệp (KCN) với cơ chế mở, thủ tục đầu tư rất thông thoáng cùng với nhiều chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội về thời gian và giá thuê đất, cơ sở hạ tầng, thuế, hỗ trợ đào tạo, cung ứng lao động…Đến nay, một số KCN cơ bản được lấp đầy như Phú Bài (Thừa Thiên – Huế), Hoà Khánh (Đà Nẵng), Điện Nam – Điện Ngọc (Quảng Nam), Tịnh Phong (Quảng Ngãi), Phú Tài (Bình Định), Đông Bắc Sông Cầu (Phú Yên), Hàm Rồng (Gia Lai), Hòa Bình (Kon Tum)…

 4. Giàu tài nguyên và thắng cảnh du lịch nổi tiếng

Đến với miền Trung Việt Nam, nhà đầu tư sẽ thuận lợi khi tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú như: Vùng biển có nguồn thủy hải sản lớn có giá trị kinh tế cao, nhiều đồng muối, mỏ cát, nhất là cát trắng làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp kính và pha lê. Ở núi rừng có nhiều cây gỗ quý và cây làm thuốc có giá trị kinh tế cao như quế, hồi, thông, trầm, sâm, nhất là sâm Ngọc Linh (Quảng Nam, Kon Tum) được đánh giá có giá trị dinh dưỡng cao. Khu vực này có trữ lượng khoáng sản lớn gồm vàng, titan, bô-xít, wonfram, thiếc, kaolanh, đá vôi, than đá, dầu mỏ, khí đốt..

Miền Trung Việt Nam là khu vực tập trung hàng loạt Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới được Tổ chức Văn hóa thế giới (UNESCO) công nhận như Cố đô Huế, phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên...Khu vực này có nhiều quần thể bãi biển và vịnh đẹp như Nha Trang (Khánh Hòa), Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế)…Biển Đà Nẵng được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 06 bãi biển đẹp nhất hành tinh. Vịnh Nha Trang được công nhận là một trong 29 vịnh biển đẹp nhất trên thế giới. Chính những lợi thế vượt trội này tạo cho miền Trung Việt Nam có điều kiện thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư đến phát triển ngành du lịch – dịch vụ cao cấp, đặc biệt là các dự án bất động sản, chuỗi resort, biệt thự, khu du lịch nghĩ dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế, khu giải trí cho người nước ngoài...

5. Nguồn lao động dồi dào với chi phí cạnh tranh

Miền Trung Việt Nam là khu vực có nguồn lao động dồi dào, chủ yếu là lao động trẻ, khỏe, cần cù, thân thiện và hiếu học, có khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ hiện đại, song chi phí nhân công lại thấp hơn so với các khu vực, địa phương và tỉnh thành khác.

Tìm kiếm dự án

  • Từ khóa:
  • Phân loại:
  • Lĩnh vực:
  • Địa phương:

V.R.G - Long Thành Development and Investment Joint Stock Company

 

 

 

Số lượng truy cập

153674181

Đăng ký nhận email

Nhận những thông mới nhất từ chúng tôi, nhằm nâng cao cơ hội đầu tư đến với bạn.