
|
Đó là lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” về giải đáp một số vấn đề thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, cách đây 20 năm, Việt Nam có lao động rẻ, tài nguyên nhiều và ưu đãi lớn, thậm chí để thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) Việt Nam còn bỏ tiền ra để giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư. Nhưng bây giờ lợi thế đó dần mất đi, do chúng ta đang phải thắt chặt lại, chọn những dự án công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, ít ô nhiễm môi trường hơn, khiến thu hút FDI trở nên khó khăn.
Tính đến tháng 6/2013, Nhật Bản là nhà đầu tư số 1 trên tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 1900 dự án FDI còn hiệu lực, có tổng vốn đăng ký 32,667 tỷ USD.
6 tháng đầu năm 2013, Nhật Bản cũng là nhà đầu tư số 1/45 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 3,992 tỷ USD.
|
Trong khi đó, hạ tầng của Việt Nam chưa hoàn chỉnh, thủ tục hành chính chưa được cải thiện nhiều, nhân công giá rẻ cũng không còn là lợi thế của Việt Nam, do kinh tế Việt Nam đã có tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người tăng lên.
Việc mất dần lợi thế thu hút FDI, khiến môi trường đầu tư tại Việt Nam kém hấp dẫn hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia. Đây cũng là lý do mặc dù Nhật Bản là nhà đầu tư số 1 Việt Nam nhưng hiện mới chỉ có 1.500 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam, trong khi đó con số này ở Thái Lan là 7.000 doanh nghiệp.
Lợi thế thu hút FDI đang mất dần cũng là nguyên nhân làm cho dòng vốn FDI đăng ký đổ vào Việt Nam những năm gần đây chững lại. Theo tổng hợp số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2008, thu hút FDI của Việt Nam đạt 64 tỷ USD, thì đến năm 2009 chỉ còn 21,48 tỷ USD, năm 2010 là 18,1 tỷ USD, năm 2011 là 14,7 tỷ USD và năm 2012 là 16,3 tỷ USD.
FDI đăng ký giảm, song dòng vốn FDI thực chất chảy vào Việt Nam thì lại không hề giảm, trung bình mỗi năm Việt Nam vẫn giải ngân được 11 tỷ USD, đây là một tín hiệu khả quan, giúp cho khoảng cách giữa vốn FDI đăng ký và giải ngân được rút ngắn. 6 tháng đầu năm 2013 Việt Nam đã giải ngân được 5,7 tỷ USD vốn FDI, tăng hơn 5,6% so với cùng kỳ.
Việc giải ngân đều đặn, khiến những năm qua, khu vực FDI có nhiều đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Hiện tổng mức đầu tư FDI đang chiếm ¼ vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội; chiếm trên 60% kim ngạch xuất khẩu; các doanh nghiệp FDI cũng đang tạo ra 2 triệu việc làm trực tiếp và tới đây có thể tăng lên 3 triệu. FDI cũng mang đến cho Việt Nam công nghệ mới và cách quản lý mới, làm thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Từ những đóng góp quan trọng đó, đẩy mạnh thu hút FDI vẫn là mục tiêu của Chính phủ Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, tới đây Việt Nam sẽ phải tiếp tục có những ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài. Bởi nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận, nếu không có ưu đãi thì họ sẽ không vào đầu tư. Tuy nhiên, ưu đãi này cũng khác so với giai đoạn đầu, trước thì trải thảm đỏ, mở cửa nhưng giờ thì không. Việt Nam chỉ ưu đãi những ngành tạo giá trị gia tăng cao, nói cách khác là vẫn phải ưu đãi nhưng ưu đãi như thế nào cho hợp lý và tạo ra lợi ích cho cả quốc gia lẫn doanh nghiệp - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh./.
Nguyễn Hòa
|