Thứ tư, 09/07/2025 07:13 Sáng (GMT+7)

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ - CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ MIỀN TRUNG

Thu hút đầu tư nước ngoài trước vận hội AEC 2015

ThS. Trịnh Minh Vân, ThS. Nguyễn Quang Anh

Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành vào cuối năm 2015 được đánh giá sẽ có những tác động tích cực đối với thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của khu vực. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng sẽ có rất nhiều cơ hội. Vấn đề đặt ra là, cơ hội không tự nó đến, chúng ta phải có những giải pháp đồng bộ để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh và công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài để sẵn sàng đón nhận cơ hội mới.

FDI của khu vực ASEAN và Việt Nam

ASEAN đang là một điểm đến tin cậy và ngày càng hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Kể từ khi có Hiệp định ACIA (Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN), FDI ròng vào khu vực tăng bình quân hàng năm trên 12%. Lượng vốn FDI vào khu vực ASEAN tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tốt trong những năm gần đây, giá trị FDI ròng từ 47,9 tỷ USD năm 2009 tăng lên đến hơn 136,2 tỷ USD năm 2014 (Bảng 1).

Bảng 1: Dòng vốn FDI ròng vào ASEAN (2009-2014)

Đơn vị: triệu USD

FDI ròng vào ASEAN

2009

2010

2011

2012

2013

2014

FDI ròng nội khối

6.672

15.200

15.228

20.658

21.322

24.377

FDI ròng ngoại khối

41.255

85.160

82.310

93.626

101.055

111.804

Tổng cộng

47.927

100.360

97.538

114.284

122.377

136.200

Phân theo tỷ lệ %

FDI ròng nội khối

9,6%

13,9%

15,1%

15,6%

18,1%

17,9%

FDI ròng ngoại khối

90,4%

86,1%

84,9%

84,4%

81,9%

82,1%

Nguồn: ASEAN Investment Statistics, 2014

Nguồn FDI từ ngoại khối ASEAN vẫn giữ vai trò chủ đạo, chiếm trung bình khoảng trên 85,5%. FDI ròng nội khối chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn, trung bình khoảng 14,5%. Các đối tác có lượng FDI ròng lớn vào khu vực ASEAN là khối EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hong Kong, Hoa Kỳ, Hàn Quốc... FDI vào ASEAN chủ yếu tập trung vào các ngành dịch vụ (chiếm 70% lượng vốn đầu tư của cả khu vực trong 4 năm gần đây), trong đó bao gồm du lịch và những ngành thâm dụng trí thức, tiếp theo mới đến các ngành công nghiệp sản xuất - chế tạo.

Hình 1: Tỷ trọng vốn FDI ròng vào các nước ASEAN năm 2013

 

Nguồn: ASEAN Investment Statistics (12/2014)

Singapore là quốc gia tiếp nhận được lượng vốn FDI lớn nhất khu vực, năm 2013, quôc gia này chiếm tới gần 50% tổng FDI ròng vào khu vực. Tiếp đó là Indonesia (15,1%), Thái Lan (10,6%), Malaysia (10%) và Việt Nam (7,3%). Các nước còn lại là Philippines, Myanma, Campuchia, Brunei và Lào tiếp nhận FDI tương đối thấp, chỉ khoảng 3% trở xuống trong tổng lượng FDI ròng vào khu vực.

So với các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam vẫn chưa phải là quốc gia tiếp nhận được nhiều vốn FDI. Tính đến tháng 12/2014, khu vực ASEAN có 8 nước đầu tư vào Việt Nam là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Indonesia, Philippines, Lào và Campuchia với 2.507 dự án, tổng vốn đăng ký đạt trên 52,6 tỷ USD (chiếm 14% số dự án và 20% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam). Tuy nhiên, lượng vốn FDI thu hút từ các quốc gia ngoại khối ASEAN mới chiếm tỷ trọng lớn ở Việt Nam.

Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư ASEAN tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đầu tư 21,7 tỷ USD (chiếm 40% tổng FDI của ASEAN vào Việt Nam); kinh doanh bất động sản với 16,5 tỷ USD (30%) và xây dựng với 3,1 tỷ USD (5,9%)…

Bảng 2: Vốn FDI đăng ký vào Việt Nam (2012-2014)

Đơn vị: triệu USD

Nguồn FDI

2012

2013

2014

Lũy kế đến tháng 12/2014

Nội khối ASEAN 

2.208,65

5.050,85

3.542,07

52.618,38

Ngoại khối ASEAN

10.804,69

16.577,18

16.688,86

198.049,46

Tổng cộng

13.013,34

21.628,03

20.230,93

250.667,84

 

Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Một số dự báo khi AEC hình thành

Theo các chuyên gia quốc tế và báo cáo nghiên cứu của UNCTAD, sự kiện AEC có hiệu lực vào cuối năm 2015 sẽ mang lại lợi ích, cơ hội lớn đối với phát triển kinh tế cho các nước thành viên, đồng thời sẽ là một “cú huých” quan trọng thúc đẩy, tạo một làn sóng FDI mạnh mẽ vào khu vực ASEAN trong giai đoạn 2016 - 2020 do một số yếu tố cụ thể như sau:

Thứ nhất, kinh tế của khu vực được duy trì ổn định và tăng trưởng nhanh. Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn đối mặt với nhiều thách thức, nhất là kinh tế Trung Quốc đang vào giai đoạn khó khăn, ASEAN vẫn là một trong những khu vực tăng trưởng cao. Mức tăng GDP bình quân trong 3 năm gần đây đạt trên 5%, tổng giá trị thương mại năm 2014 đạt 2.500 tỷ USD (tăng 0,6% so với năm 2013 và gấp 6 lần so với năm 1993), thương mại nội khối cũng tăng trưởng mạnh (năm 2013 đạt 609 tỷ USD, gấp 7 lần so với năm 1993)...

Thứ hai, khu vực có nhiều lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI. Với thị trường nội khối có quy mô lớn (hơn 600 triệu dân), trong đó tầng lớp tiêu dùng trung lưu đang tăng lên mạnh mẽ, nguồn lao động dồi dào với chi phí thấp, các rào cản về thuế quan, phi thuế quan được xóa bỏ dần (các thuế suất đang giảm về 0%), ASEAN sẽ là sự lựa chọn lý tưởng đối với các nhà đầu tư nước ngoài cả trong và ngoài khu vực. Những nghiên cứu mới đây của Thomson Reuters và Ngân hàng Merrill Lynch (Mỹ) cho thấy, lượng vốn FDI chảy vào các quốc gia Singapore, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam tăng cao kỷ lục đã đưa ASEAN vượt qua Trung Quốc về thành tích thu hút FDI trong 2 năm liên tiếp (2013-2014). Thời gian tới, một số tập đoàn đa quốc gia (TNC) và hãng công nghệ cao có xu hướng dịch chuyển đầu tư sản xuất ra khỏi Trung Quốc, chuyển dần sang ASEAN do chi phí tiền lương, thuê đất của nước này tăng cao.

Thứ ba, AEC là nơi giao thoa của nhiều thoả thuận thương mại song phương và đa phương. Các doanh nghiệp FDI đầu tư vào ASEAN sẽ có cơ hội tiếp cận các thị trường quy mô lớn và đang phát triển mạnh, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Ấn Độ, EU thông qua các hiệp định thương mại đã có giữa ASEAN và các nước trên. ASEAN cũng đang đàm phán với các đối tác Đông Á về việc xây dựng Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2015. Do đó, ASEAN trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nội khối cũng như các nước đối tác của khu vực.

Thứ tư, AEC tạo môi trường đầu tư thông thoáng và hội nhập. Đến nay, hơn 80% trong danh sách “Top 500” công ty lớn nhất trên toàn cầu (theo tạp chí Fortunes) đã có mặt ở ASEAN. Các TNC lớn đã và đang tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư của mình tại khu vực. Điều này chứng tỏ các quốc gia ASEAN đã mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài thông thoáng hơn, các chính sách thu hút đầu tư trong ACIA đã dần phù hợp với thông lệ quốc tế. Do vậy, các nhà đầu tư trên thế giới đang tận dụng tối đa cơ hội phát triển tại khu vực này trước vận hội AEC 2015.

Thứ năm, Ủy ban Điều phối Đầu tư (CCI) – một cơ quan cấp Vụ giúp việc cho Hội đồng khu vực đầu tư ASEAN (AIA) đã liên tục tổ chức các cuộc họp thường niên về điều hành và giám sát theo dõi thực hiện ACIA để báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM), trong đó đã thực thi nhiều đề án và chương trình hành động cụ thể mang lại hiệu quả thiết thực như:

(i) Xây dựng và nâng cấp cổng website xúc tiến đầu tư khu vực ASEAN (http://investasean.asean.org);

(ii) Tăng cường quảng bá, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài về các lợi ích, cơ hội đầu tư triển vọng do ACIA mang lại;

(iii) Tổ chức các hoạt động, hội nghị để các quốc gia thành viên cùng chia sẽ những thành công, bài học kinh nghiệm hay khi triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư cũng như tạo thuận lợi cho FDI ở khu vực ASEAN và quốc tế.

Khuyến nghị đối với Việt Nam

Triển vọng tiếp nhận một làn sóng FDI mới khi hiện thực hóa AEC vào cuối năm 2015 là rất khả thi và là cơ hội chung cho tất cả các quốc gia thành viên ASEAN. Do vậy, để đẩy mạnh thu hút FDI nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội và mang lại sự thịnh vượng cho Việt Nam, trong giai đoạn 2015-2020 cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài, hướng vào một số vấn đề cụ thể sau đây:

Một là, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách thu nhập FDI theo hướng hội nhập quốc tế và khu vực để tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trong đó cần sớm ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Doanh nghiệp năm 2014 (đã có hiệu lực từ 1/7/2015).

Hai là, tập trung huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh đầu tư, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông theo các chương trình trọng điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chú trọng nguồn vốn xã hội hóa và kêu gọi các doanh nghiệp FDI, tập đoàn lớn đầu tư phát triển cơ sở vật chất hạ tầng theo các hình thức BOT, BTO, BT, PPP...

Ba là, thực hiện tốt và có chiều sâu công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với tầm nhìn dài hạn trên cơ sở “Chiến lược Phát triển Nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020” của Thủ tướng Chính phủ. Các chương trình hành động về đào tạo nghề cần có sự liên kết, phù hợp với yêu cầu sử dụng của các doanh nghiệp. Khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp FDI đào tạo lao động ngay tại doanh nghiệp.

Bốn là, duy trì môi trường chính trị - xã hội ổn định, bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư nước ngoài theo hiệp định ACIA, các hiệp định về thương mại – đầu tư đã ký kết giữa Việt Nam và các nước.

Năm là, chú trọng thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực hiện Việt Nam có lợi thế so sánh và cũng là xu hướng của FDI vào ASEAN, như: thương mại - dịch vụ, du lịch, bất động sản, giáo dục và y tế chất lượng cao, chế biến nông, lâm, thủy sản...; đồng thời, cần định hướng thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, sản phẩm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, qua đó thúc đẩy chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Sáu là, cần đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, đảm bảo nguyên tắc theo vùng và liên vùng, có sự điều phối chung thống nhất của Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) theo Quyết định số 03/QĐ-TTg, ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo sức mạnh thu hút FDI tổng thể cho quốc gia và từng vùng, tránh sự trùng lặp giữa các địa phương gây lãng phí ngân sách, nhưng kém hiệu quả. Tăng cường kết nối với các đại diện xúc tiến đầu tư của Việt Nam ở nước ngoài nhằm tiếp cận xúc tiến đầu tư theo từng nhà đầu tư và dự án cụ thể, tổ chức đoàn xúc tiến đầu tư chung gồm các bộ, ngành và một số địa phương đến những quốc gia đối tác chủ lực, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan...

Ngoài ra, cần coi trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, đặc biệt là đối thoại, hỗ trợ các doanh nghiệp FDI hiện hữu giải quyết khó khăn, vướng mắc, triển khai dự án có hiệu quả để chính họ là hình ảnh tốt, từ đó thực hiện marketing thu hút các nhà đầu tư mới. Cổng thông tin website của các cơ quan đầu mối xúc tiến đầu tư từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục được bổ sung, nâng cấp để đạt tính chuyên nghiệp, hiệu quả hơn với nhiều ngôn ngữ, như: Anh, Hoa, Nhật, Hàn./.

Tài liệu tham khảo:

1. Thủ tướng Chính phủ (2014). Quyết định số 03/QĐ-TTg, ngày 14/01/2014 về việc ban hành Quy chế Quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư

2. Phùng Lê Dung (2015). Thu hút FDI của Việt Nam trước ngưỡng cửa AEC 2015, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 10(594), tháng 5/2015

3. Cục Đầu tư nước ngoài (2015). Triển vọng thu hút ĐTNN từ các nước ASEAN trong bối cảnh AEC 2015, truy cập từ http://fia.mpi.gov.vn/detail/2451/Trien-vong-thu-hut-DTNN-tu-cac-nuoc-Asean-trong-boi-canh-AEC-2015

4. Huỳnh Tấn Hưng (2014). Các chính sách thực hiện hiệu quả của Việt Nam khi tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN - AEC, truy cập từ http://dl.ueb.edu.vn/handle/1247/8894#

5. Nguyễn Cẩm Nhung, Nguyễn Thị Hải Lê (2014). Quan hệ đầu tư của ASEAN trong bối cảnh hình thành AEC 2015, truy cập từ http://dl.ueb.edu.vn/handle/1247/8903 

6. UNCTAD (2013-2015). World Investment Report 2014 & World Investment Prospects Survey 2013 – 2015, access to  http://www.unctad.org

7. ASEAN Investment Statistics (2014). Foreign Direct Investment Statistics, access to http://www.asean.org/news/item/foreign-direct-investment-statistics

8. ASEAN Secretariat (2014). ASEAN Community in Figures - Special Edition 2014: A Closer Look at Trade Performance and Dependency, and Investment, access to  http://www.asean.org/resources/2012-02-10-08-47-55/statistical-publications

Nguồn: Bài viết đăng Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) số 16 (600) – tháng 8/2015, tr.45 - 47


Tìm kiếm dự án

  • Từ khóa:
  • Phân loại:
  • Lĩnh vực:
  • Địa phương:

V.R.G - Long Thành Development and Investment Joint Stock Company

 

 

 

Số lượng truy cập

153824019

Đăng ký nhận email

Nhận những thông mới nhất từ chúng tôi, nhằm nâng cao cơ hội đầu tư đến với bạn.