Thứ sáu, 04/07/2025 08:29 Chiều (GMT+7)

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ - CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ MIỀN TRUNG

Thu hút đầu tư để phát triển KKT Dung Quất

Sau 16 năm xây dựng và phát triển, KKT Dung Quất đã thu hút được một lượng vốn đầu tư khá lớn từ các nguồn trong và ngoài nước. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu thu hút đầu tư để phát triển KKT Dung Quất. Làm thế nào để thu hút được ngày càng nhiều vốn đầu tư và phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư để phát triển đang là nỗi trăn trở của Đảng bộ, Chính quyền tỉnh Quảng Ngãi và Ban Quản lý (BQL) KKT Dung Quất.

Thực trạng thu hút các nguồn vốn đầu tư

Tính đến hết năm 2012, tại KKT Dung Quất có 111 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 8 tỷ USD, trong đó có 98 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký là 92.867 tỷ đồng; 13 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 3,843 tỷ USD. Tổng giá trị vốn thực hiện đầu tư khoảng 4,8 tỷ USD/8 tỷ USD (đạt 60%). Trong đó có một số dự án lớn quan trọng như: nhà máy lọc dầu, nhà máy công nghiệp nặng Doosan, nhà máy nhựa Polypropylen, nhà máy đóng tàu, nhà máy BioEthanol; các dự án Kumwoo, KIC, Guang Lian, hệ thống cảng bến (2 cảng tổng hợp, 2 cảng chuyên dùng), các hệ thống dịch vụ khách sạn, nhà hàng... góp phần quan trọng vào sự phát triển của KKT Dung Quất.  

Năm 2012, tại KKT Dung Quất đón tiếp trên 100 lượt nhà đầu tư đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư, trong đó xuất hiện một số đối tác mới và dự án mới, có nhiều dự án hết sức quan trọng đối với sự phát triển của KKT Dung Quất những năm tiếp theo như: dự án nhà máy nhiệt điện BOT của Tập đoàn Sembcorp công suất 1200 MW với tổng vốn đăng ký khoảng 2 tỷ USD; dự án KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) với qui mô diện tích cả 2 giai đoạn 1.200ha, khởi công trong quý I/2013; dự án nhà máy bột giấy của Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) và Tập đoàn JK (ấn Độ), vốn đầu tư khoảng 180 triệu USD; dự án Tập đoàn thép JFE (Nhật Bản) tham gia cùng Guang Lian xây dựng nhà máy thép Dung Quất.

KKT Dung Quất đang có 70 dự án hoạt động, trong đó: 47 dự án hoạt động tốt, đặc biệt là các dự án lọc - hóa dầu, công nghiệp nặng Doosan, khai thác cảng,.. giải quyết việc làm cho trên 13.800 lao động; 15 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, 8 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Năm 2012, giá trị sản lượng công nghiệp, thương mại và dịch vụ KKT Dung Quất đạt 129.800 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 350 triệu USD; sản lượng hàng hóa qua cảng 13,8 triệu tấn; đóng góp nguồn thu ngân sách 16.600 tỷ đồng, giải quyết việc làm mới cho 600 lao động.

Từ khi thành lập đến nay, KKT Dung Quất đã được ngân sách cấp vốn đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng từ các nguồn: ngân sách trung ương hỗ trợ hạ tầng KKT, ngân sách trung ương hỗ trợ theo Quyết định số 183/2004/QĐ-TTg, ngân sách trung ương hỗ trợ từ nguồn thu Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nguồn trái phiếu chính phủ, ngân sách tỉnh, chương trình 5 triệu ha rừng và nguồn vốn ODA của Chính phủ Đan Mạch.

KKT Dung Quất đã xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng các công trình hạ tầng phục vụ yêu cầu đầu tư phát triển của KKT gồm: đường giao thông với tổng chiều dài khoảng 120 km, 17 khu dân cư với diện tích 112 ha, Trường dạy nghề quy mô đào tạo 2.000 học sinh, Trạm thu phát sóng truyền hình, Bệnh viện quy mô 100 giường, Trung tâm văn hoá thể thao, hệ thống thoát nước mưa và thu gom nước thải, hạ tầng KCN, khu xử lý chất thải rắn, Trung tâm kỹ thuật quan trắc môi trường, Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật nông lâm nghiệp Dung Quất, hệ thống cảng biển, cấp điện, cấp nước, bưu chính viễn thông,... do các tập đoàn, tổng công ty đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng; đây là các công trình hạ tầng cơ bản, cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển KKT Dung Quất.

Giai đoạn 2006 - 2012, KKT Dung Quất đã đóng góp gần 50.000 tỷ đồng vào nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đưa Quảng Ngãi từ một tỉnh có nguồn thu ngân sách thấp trở thành một tỉnh có nguồn thu khá của cả nước.

Sau 16 năm đầu tư và phát triển, KKT Dung Quất được đánh giá là một trong những KKT tiên phong và thành công trong cả nước, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội và nguồn thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi. Đây là cơ sở để tiếp tục phát triển KKT Dung Quất từng bước trở thành một trong những hạt nhân tăng trưởng, trung tâm đô thị - công nghiệp - dịch vụ của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc thu hút vốn đầu tư phát triển KKT Dung Quất vẫn còn một số tồn tại, hạn chế:

Một là, cơ chế quản lý, phát triển vẫn chưa đáp ứng yêu cầu mới. Thực tiễn quản lý và phát triển KKT Dung Quất trong những năm qua cho thấy, việc thu hút đầu tư vào KKT là có thuận lợi, nhưng việc triển khai dự án đầu tư còn gặp nhiều khó khăn (70/111 dự án đầu tư hoạt động, đạt 63%). Một trong những bất cập cơ bản là thiếu sự gắn kết trong quản lý giữa cơ quan quản lý trực tiếp với hệ thống chính quyền xã, huyện và các sở, ngành cấp tỉnh; sự đan xen về thẩm quyền và trách nhiệm trong quản lý đầu tư, xây dựng, đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, môi trường, lao động, đô thị, an ninh trật tự, an sinh xã hội, hành chính lãnh thổ,... dẫn đến sự chồng chéo, lòng vòng, thiếu rõ ràng và nhất quán, từ đó làm giảm hiệu lực và hiệu quả trong quản lý. Những bất cập này đang trở thành lực cản, kìm hãm sự phát triển của KKT Dung Quất.

Hai là, vốn đầu tư hạ tầng KKT Dung Quất do ngân sách trung ương bố trí hàng năm còn thấp so với yêu cầu, đặc biệt là sau khi KKT Dung Quất chuyển giao về tỉnh quản lý. Trong khi đó, điều kiện hạ tầng tại KKT Dung Quất đang ngày càng quá tải, nếu không được quan tâm, đầu tư thích đáng thì cơ sở hạ tầng KKT Dung Quất không thể đáp ứng được yêu cầu triển khai các dự án và thiếu tính hấp dẫn thu hút đầu tư. Các dự án đầu tư cơ sở dịch vụ tiện ích còn thiếu, mới chỉ đáp ứng yêu cầu ở mức thấp.

Ba là, công tác đào tạo, cung ứng nguồn lao động có chất lượng cao cho các dự án công nghiệp nặng, dự án có công nghệ, thiết bị hiện đại chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Trình độ kỹ thuật, tay nghề và tác phong công nghiệp của người lao động chưa phù hợp với yêu cầu sản xuất - kinh doanh.

Bốn là, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư trên địa bàn KKT Dung Quất thời gian qua mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng nhìn chung vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Một số giải pháp thu hút vốn đầu tư phát triển

Để đạt được mục tiêu đến năm 2015, thu hút đầu tư đạt 13 tỷ USD (trong đó vốn thực hiện khoảng 8 tỷ USD), thu ngân sách trên 15.000 tỷ đồng, hàng hóa qua cảng khoảng 25 triệu tấn, giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động; đến năm 2020, thu hút đầu tư đạt 16 tỷ USD (trong đó vốn thực hiện khoảng 10 tỷ USD), thu ngân sách trên 25.000 tỷ đồng; hàng hóa qua cảng khoảng 34 triệu tấn, giải quyết việc làm cho khoảng 50.000 lao động. Cần thực hiện đồng bộ hệ thống các giải pháp sau:

Một là, hoàn thiện cơ chế ưu đãi đầu tư cho KKT Dung Quất. Cơ chế ưu đãi đầu tư cho KKT Dung Quất phải thật sự “mở” theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, có nghĩa là các ưu đãi áp dụng tại KKT Dung Quất ngoài việc thực hiện theo các quy định chung của pháp luật cần phải có các quy định đặc thù. Chính sách “mở” vừa phải đảm bảo thông thoáng vừa phải được bổ sung cho phù hợp với tình hình mới, đảm bảo không chỉ cạnh tranh trong nước mà còn đủ khả năng cạnh tranh với các KKT ngoài nước, không chỉ tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam mà còn phải phù hợp với thông lệ quốc tế và WTO.

Hai là, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư. Xây dựng một kế hoạch dài hạn và trung hạn về xúc tiến đầu tư có tính định hướng chiến lược cho 5 năm, 10 năm và có tính khả thi cao. Cùng với việc xây dựng kế hoạch dài hạn có tính chất tổng thể cần chú ý các công việc cụ thể khác như: đa dạng hoá các loại hình xúc tiến đầu tư; xác định đúng đắn nhiệm vụ xúc tiến đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp hoặc chủ đầu tư trong công tác này; xác định đối tác chiến lược (Nhật Bản, Hàn Quốc);... để thu hút vốn đầu tư vào KKT Dung Quất. Ngoài ra, việc thành lập hiệp hội các KKT Việt Nam và tham gia hiệp hội các KKT tự do và các KKT đặc biệt trên thế giới là điều kiện quan trọng để học hỏi kinh nghiệm quản lý, xúc tiến đầu tư, tìm hiểu môi trường đầu tư nhất là các cơ chế chính sách, các công trình hạ tầng, các tiện ích khác cũng là một hướng hợp tác phát triển cần lưu ý.

Ba là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KKT Dung Quất

Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật phải tập trung đầu tư đồng bộ vừa đáp ứng cho giai đoạn phát triển trước mắt tránh tình trạng lãng phí có thể xảy ra đồng thời phải đảm bảo mở rộng năng lực lâu dài theo quy hoạch phát triển. Vì vậy, trên cơ sở quy hoạch chung, cần thúc đẩy các ngành chức năng như điện lực, bưu chính viễn thông, cấp thoát nước và môi trường khẩn trương có kế hoạch ngắn hạn, trung và dài hạn phù hợp để triển khai xây dựng các công trình hạ tầng này.

Đối với các công trình hạ tầng xã hội cần quy hoạch và triển khai xây dựng đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư và thể hiện tính chuyên nghiệp và hiện đại của KKT. Vì vậy, theo tiến độ đầu tư cần xây dựng các công trình hạ tầng xã hội như: trường đào tạo nghề chất lượng cao; trường tiểu học quốc tế, bệnh viện chất lượng cao, các khu du lịch cao cấp, khu đô thị đạt tiêu chuẩn quốc tế, khu nhà ở dành cho chuyên gia và nhà ở cho công nhân, các chợ và siêu thị…

Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính theo mô hình “một cửa tại chỗ”. Mô hình “một cửa tại chỗ” thực hiện tại KKT Dung Quất trong thời gian qua vừa khẳng định tính đúng đắn và hấp dẫn trong thu hút đầu tư vừa được hiểu là khi nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư tại đây họ chỉ đến một chỗ là BQL KKT và làm việc tại một cửa là phòng Xúc tiến đầu tư trực thuộc BQL KKT. Phòng xúc tiến đầu tư được BQL KKT giao nhiệm vụ làm đầu mối tiếp nhận mọi thông tin và mọi hồ sơ có liên quan của nhà đầu tư đồng thời có trách nhiệm phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương có liên quan để trực tiếp giải quyết các yêu cầu của nhà đầu tư, hoặc hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các công việc ấy trong một khoảng thời gian nhất định, thường là thời gian ngắn nhất có thể được. Trong thời gian tới, trên lĩnh vực này cần phải đi sâu vào chất lượng của mô hình “một cửa tại chỗ”. Có nghĩa là bên cạnh tiếp tục duy trì và thực hiện nhất quán việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tại tổ một cửa, đồng thời quy định thời gian giải quyết công việc nhanh nhất trên tất cả các lĩnh vực liên quan đến nhà đầu tư bao gồm: thủ tục cấp chứng nhận đầu tư, thủ tục thu hồi đất, giao đất, thủ tục đăng ký thuế, thủ tục về cư trú, đi lại, xuất nhập nhẩu, xuất nhập cảnh,...

Năm là, thu hút và phát triển nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực chất lượng cao là một yêu cầu không thể thiếu đối với sự phát triển của KKT Dung Quất. Để khắc phục những tồn tại yếu kém về nguồn nhân lực tại Dung Quất hiện nay cần thực hiện các giải pháp sau:

- Thu hút các nhà đầu tư trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo và tạo điều kiện để hình thành các trường dạy nghề chất lượng cao từ công nhân kỹ thuật đến kỹ sư thực hành có trình độ cao đẳng, đại học; loại hình đào tạo này cần ưu tiên số một. Đây chính là bước đột phá để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư vào KKT Dung Quất.

- Để có nguồn nhân lực đáp ứng kịp thời cho các dự án đang triển khai, trước mắt cần mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn. Đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư có chính sách để thu hút cán bộ kỹ thuật và chuyên gia giỏi về làm việc. BQL KKT Dung Quất có trách nhiệm hỗ trợ các điều kiện về đất ở, nhà ở và các vấn đề xã hội liên quan khác nhằm tạo thuận lợi nhất cho cán bộ, chuyên gia làm việc trong KKT.

ThS. Nguyễn Dũng Anh - Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III

                                            Phạm Thị Minh Phương - Sở Tài chính Quảng Ngãi


Tìm kiếm dự án

  • Từ khóa:
  • Phân loại:
  • Lĩnh vực:
  • Địa phương:

V.R.G - Long Thành Development and Investment Joint Stock Company

 

 

 

Số lượng truy cập

153817650

Đăng ký nhận email

Nhận những thông mới nhất từ chúng tôi, nhằm nâng cao cơ hội đầu tư đến với bạn.