Thứ ba, 19/03/2024 12:54 Sáng (GMT+7)

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ - CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ MIỀN TRUNG

Thu hút đầu tư của Hàn Quốc vào miền Trung Việt Nam

1. Tiềm năng và lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài của khu vực miền Trung

Miền Trung – Tây Nguyên nằm ở trung độ của Việt Nam, cách đều 02 trung tâm kinh tế lớn nhất là thủ đô Hà Nội và TP HCM. Khu vực này có vị trí chiến lược, các trục đầu mối giao thông quan trọng Bắc–Nam cả về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, kết nối trực tiếp với tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây (1.450 km), và là cửa ngõ quan trọng ra biển Đông của các quốc gia tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS). Vùng Duyên hải miền Trung gần các tuyến hàng hải, vận tải biển quốc tế nên việc giao thương với các nước ASEAN và Đông Bắc Á rất nhanh chóng và thuận tiện.

Khu vực này sở hữu nhiều nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú và nổi trội về đất, biển, đảo, nông-lâm-thủy sản, khoáng sản; nguồn nhân lực trẻ, dồi dào với chi phí cạnh tranh (thấp) và tay nghề tốt, hệ thống đào tạo đại học, cao đẳng, dạy nghề khá hoàn chỉnh. Nơi đây có 01 Khu công nghệ cao (Đà Nẵng), hàng loạt cảng biển nước sâu, cảng hàng không quốc tế (sân bay Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Bài , nhiều khu kinh tế trọng điểm của quốc gia gắn với cảng nước sâu và trên 50 khu công nghiệp sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Những tiềm năng này, kết hợp các “thế mạnh” mới tạo lợi thế đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kinh tế tổng hợp, gồm các lĩnh vực hóadầu, khí đốt,  năng lượng tái tạo, kinh tế biển, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến nông lâm thủy sản, công nghiệp ô tô, dệt may, công nghiệp phụ trợ, du lịch, bất động sản, thương mại và dịch vụ…

Phát triển Du lịch – bất động sản

Miền Trung – Tây Nguyên hội tụ nhiều thế mạnh nổi bật để phát triển du lịch như tập trung nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, hàng loạt Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận như Phong Nha Kẻ Bàng, Cố đô Huế, phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Nhã nhạc Cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên…Vùng Duyên hải miền Trung trải dài trên 1.500km với rất nhiều đảo, bãi biển và vịnh đẹp nổi tiếng tầm cỡ thế giới (biển Đà Nẵng được tạp chí Forbes - Mỹ bình chọn là 01 trong 06 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh; Nha Trang, Lăng Cô được công nhận là những vịnh biển đẹp nhất thế giới...). Sự đa dạng về địa hình đồi núi và nền văn hóa “đặc thù”, giàu bản sắc của các dân tộc Tây Nguyên là thế mạnh riêng có để phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và mạo hiểm…

Ngoài những lợi thế vốn có về vị trí địa kinh tế (nhiều cảng biển, cảng hàng không quốc tế), hạ tầng đang ngày càng hoàn thiện và đồng bộ hóa, khu vực này còn thừa hưởng lợi thế từ các hiệp định thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với nhiều quốc gia (EVFTA, CPTPP, VKFTA…), tạo ra xung lực mạnh mẽ thu hút nhiều sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư toàn cầu, trong đó đặc biệt là đối tác Hàn Quốc.

Sau hơn 30 năm “đổi mới”, phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế cùng với cả nước, khu vực miền Trung Việt Nam đã có những sự chuyển biến mạnh mẽ, vươn lên đạt nhiều thành tựu phát triển kinh tế xã hội và trở thành điểm đến đầu tư lý tưởng và hấp dẫn, nhất là đối với các nhà đầu tư nước ngoài (trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc). Đến nay, khu vực đã có nhiều dự án resort, bất động sản du lịch, các tổ hợp nghỉ dưỡng và giải trí tầm cỡ quốc tế của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước.

2. Đầu tư của Hàn Quốc tại khu vực miền Trung

2.1. Thực trạng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại miền Trung

(Tham khảo thông tin chi tiết như file đánh giá gửi kèm theo)

2.2. Thực trạng thu hút FDI của Hàn Quốc tại miền Trung 

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Hàn Quốc hiện là đối tác dẫn đầu về FDI tại miền Trung Việt Nam. Trong 09 tháng đầu năm 2020, Hàn Quốc đã có 23 lượt dự án đầu tư tại khu vực, với tổng vốn đăng ký hơn 79,41 triệu USD (chiếm 30,53% so với cả khu vực). Tính chung Việt Nam, Hàn Quốc xếp thứ hai với tổng số lượt dự án đăng ký cấp mới là 499 lượt với tổng vốn đăng ký đạt gần 3,17 tỷ USD (chiếm 14,9% so với cả nước).

Lũy kế đến nay (tháng 9/2020), Hàn Quốc đứng vị trí thứ hai (trong 69 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án FDI tại khu vực miền Trung) với 368 dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,38 tỷ USD (chiếm 16,96% % so với cả khu vực).

Hiện nay, doanh nghiệp Hàn Quốc đã có mặt hầu hết trong các lĩnh vực thuộc về thế mạnh của khu vực miền Trung như công nghiệp nặng, bất động sản du lịch, may mặc, gia công – chế biến…

Một trong những dự án tiêu biểu, khơi mào cho làn sóng đầu tư Hàn Quốc tại miền Trung là Dự án DOOSAN VINA tại Khu Kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Dự án được cấp chứng nhận đầu tư vào năm 2006 với tổng mức đầu tư đạt 315 triệu USD, sử dụng 110 ha đất, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các thiết bị công nghiệp nặng. Từ năm 2006 đến nay, Doosan Vina đã và đang sản xuất các sản phẩm cho hơn 197 dự án với tổng giá trị hàng tỷ USD và mang thương hiệu “Made in Vietnam” được xuất khẩu, sử dụng tại hơn 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Lĩnh vực dệt may cũng thuộc đối tượng quan tâm của Nhà đầu tư Hàn Quốc. Tiêu biểu nhất có thể kể đến Dự án Nhà máy dệt PANKO, Dự án sản xuất sợi vải mành do tập đoàn Hyosung đầu tư với tổng trị giá 1,3 tỷ USD (dự án khởi công vào tháng 12/2018) tại Khu công nghiệp Tam Thăng, tỉnh Quảng Nam…

Ở lĩnh vực du lịch không thể không nhắc đến thành phố Đà Nẵng, nơi được bình chọn là điểm đến yêu thích toàn cầu của nhân dân Hàn Quốc. Chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2019, lượng du khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng ước đạt hơn 1 triệu lượt (chiếm 57% toàn thành phố) và thu hút rất nhiều dự án đầu tư về nhà hàng, chăm sóc sắc đẹp, tour du lịch và các dịch vụ giải trí do người Hàn Quốc đầu tư.

Ngoài ra, Hàn Quốc còn có dự án đầu tư  hạ tầng Khu công nghiệpà một số dự án FDI khác…

3. Định hướng thu hút đầu tư nước ngoài và FDI Hàn Quốc thời gian đến

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam với các giải pháp chủ động và hiệu quả nên vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Việt Nam vẫn bảo đảm vận hành bình thường và không để xảy ra đứt gãy nền kinh tế. Với GDP của 06 tháng đầu năm 2020 tăng 1,81%, Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới đạt được mức tăng trưởng dương. Các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được giữ vững, lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý; xuất nhập khẩu ước đạt trên 174 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Đây cũng là yếu tố làm cho Việt Nam và miền Trung vẫn tiếp tục giữ được lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Xác định vốn đầu tư nước ngoài là một hợp phần quan trọng của nền kinh tế, nhiều địa phương khu vực miền Trung đã và đang đẩy mạnh thu hút FDI với nhiều chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuê đất, hỗ trợ đào tạo lao động, nhập khẩu trang thiết bị tạo tài sản cố định dự án… Bên cạnh đó, việc cải cách thủ tục hành chính tinh gọn, chuyên nghiệp giúp hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc ngay khi đến tìm hiểu môi trường đầu tư cho đến khi Dự án đi vào hoạt động, tạo sự tin tưởng rất lớn trong cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài.

Việt Nam đang đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng dựa trên các yếu tố tăng năng suất, đổi mới, sáng tạo và phát triển kinh tế số.

Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung nói riêng khẳng định quyết tâm cao trong công tác thu hút đầu tư nước ngoài, ưu tiên thu hút những dự án chất lượng cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, có giá trị gia tăng cao, tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu và có nền quản trị hiện đại, phù hợp với định hướng của Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam các cấp, các địa phương sẽ cam kết tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với khu vực tư nhân và các khu vực kinh tế khác để cùng nhau phát triển, đem lại lợi ích cho cả hai bên.

 

Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung (IPCC) là đơn vị trực thuộc Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện chức năng xúc tiến đầu tư tại 13 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Sau hơn 15 năm hoạt động, IPCC đã tham gia làm đầu mối tổ chức hoạt động Xúc tiến đầu tư cấp vùng, cấp quốc gia, và hỗ trợ thành công cho rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến kinh doanh đầu tư tại khu vực, trong đó tiêu biểu gần đây là Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện máy bay (UAC) của Hoa Kỳ tại khu công nghệ cao TP Đà Nẵng.

IPCC là đối tác của nhiều tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại khu vực, như KOTRA (Đà Nẵng), EUROCHARM, AUSCHARM, VCCI…

 Nguồn IPCC

 

 


Tìm kiếm dự án

  • Từ khóa:
  • Phân loại:
  • Lĩnh vực:
  • Địa phương:

V.R.G - Long Thành Development and Investment Joint Stock Company

 

 

 

Số lượng truy cập

153675944

Đăng ký nhận email

Nhận những thông mới nhất từ chúng tôi, nhằm nâng cao cơ hội đầu tư đến với bạn.