Thứ bảy, 05/07/2025 10:39 Sáng (GMT+7)

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ - CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ MIỀN TRUNG

Quảng Ngãi: Phát triển công nghiệp với nhịp độ cao, hiệu quả và bền vững

Với những tiềm năng, lợi thế cùng chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, Quảng Ngãi đã và đang là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. VSIP được kỳ vọng là năng lực mới, cùng với KKT Dung Quất và các KCN trong tỉnh tạo nên cơ hội mới về phát triển công nghiệp; góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng Quảng Ngãi trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020.

Phóng viên Tạp chí Khu công nghiệp Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Như Sô - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, Trưởng ban Ban Quản lý KKT Dung Quất - về định hướng phát triển công nghiệp, mà trọng tâm là các KCN, KKT, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi. 

PV: Thưa ông, trong những năm gần đây, mặc dù nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh Quảng Ngãi vẫn nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn, đặc biệt là dự án VSIP Quảng Ngãi mới được khởi công. Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật trong thu hút đầu tư của Quảng Ngãi thời gian qua?

Ông Phạm Như Sô: Quảng Ngãi đã có những bước phát triển kinh tế nhảy vọt sau khi xây dựng KKT Dung Quất, trong đó có nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam. KKT Dung Quất (cùng với KKT mở Chu Lai) là một trong 05 nhóm KKT ven biển của cả nước được Chính phủ tập trung ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng từ nay đến năm 2015. Ngoài KKT Dung Quất, Quảng Ngãi còn có 4 KCN và 15 cụm công nghiệp làng nghề được đầu tư kết cấu hạ tầng sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh.

8 tháng đầu năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp Quảng Ngãi đạt 16.809 tỷ đồng, bằng 74,74% kế hoạch năm, tăng 26,96% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, kinh tế nhà nước đạt 13.090 tỷ đồng, tăng 31,34%, kinh tế ngoài nhà nước đạt 3.408 tỷ đồng, tăng 14,42% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 311 tỷ đồng, tăng 5,6%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 371,8 triệu USD, bằng 99% kế hoạch năm, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách đạt 18.506 tỷ đồng, bằng 84,6% dự toán năm, trong đó, thu nội địa đạt 16.117 tỷ đồng, thu hoạt động xuất nhập khẩu đạt 2.119 tỷ đồng. Đây được xem là tín hiệu dự báo thu ngân sách của tỉnh sẽ đạt và vượt kế hoạch dự toán.

Trong tình hình khó khăn về kinh tế, việc thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài vào tỉnh là một nỗ lực vượt bậc; mang lại luồng sinh khí mới cho địa phương. Nhiều nhà đầu tư từ các quốc gia đến tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh, nhiều dự án đầu tư lớn được ký kết và triển khai; đặc biệt là dự án xây dựng Khu liên hợp công nghiệp - Đô thị và dịch vụ VSIP Quảng Ngãi vừa được khởi công trung tuần tháng 9/2013 với sự tham dự của Chính phủ Việt Nam và Singapore, có tổng vốn đầu tư dự kiến giai đoạn 1 hơn 2.631 tỷ đồng, tương đương 125 triệu USD.

Với phương châm đẩy mạnh phát triển công nghiệp với nhịp độ cao, hiệu quả và bền vững, tỉnh Quảng Ngãi vẫn tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi đầu tư theo hướng phát triển mạnh các ngành công nghiệp và dịch vụ nhằm khai thác lợi thế phát triển của tỉnh.

PV: Trong thời gian tới, Quảng Ngãi sẽ có những giải pháp gì để tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư vào địa phương, thưa ông?

Ông Phạm Như Sô: 6 tháng đầu năm 2013, GDP tỉnh Quảng Ngãi tăng 13,6% - mức cao nhất trong số các tỉnh, thành thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tỉnh cũng nằm trong nhóm xếp hạng khá về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực và quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh trong lộ trình cải cách thủ tục hành chính, xây dựng ngày càng tốt hơn nền hành chính công theo hướng phục vụ; tạo nên một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất để Quảng Ngãi luôn là địa điểm đáng tin cậy cho các nhà đầu tư.

Thời gian tới, Quảng Ngãi tiếp tục triển khai đồng bộ kế hoạch hành động của UBND tỉnh về một số chủ trương, chính sách lớn để đưa nền kinh tế tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững. Tỉnh sẽ đồng hành cùng với nhà đầu tư, tích cực hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư từ bước hình thành ý tưởng, tìm kiếm cơ hội đầu tư đến việc hỗ trợ xây dựng dự án, giải quyết kịp thời các yêu cầu của doanh nghiệp và nhà đầu tư và bằng những cam kết cụ thể của chính quyền địa phương để nhà đầu tư triển khai dự án nhanh chóng và đi vào hoạt động có hiệu quả.

Bên cạnh đó, Tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, có các chế độ ưu đãi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư; lựa chọn dự án trọng điểm và thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng; chủ động xúc tiến đầu tư, kêu gọi thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để đầu tư vào các lĩnh vực ngành nghề mà tỉnh ưu tiên mời gọi; đồng thời, tích cực tuyên truyền quảng bá hình ảnh Quảng Ngãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung năng động, Quảng Ngãi có vị trí thuận lợi với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, thông suốt (vừa có cảng biển, vừa có đường quốc lộ, vừa có đường sắt Bắc - Nam, gần sân bay); hội tụ nhiều điều kiện để phát triển, hấp dẫn các nhà đầu tư, là nơi lý tưởng cho các doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường đến đến cả hai miền Nam - Bắc và khu vực miền Trung rộng lớn. Từ Quảng Ngãi, các doanh nghiệp còn có thể mở rộng tiếp cận thị trường sang Lào, Đông Bắc Thái Lan và Campuchia… Ngoài ra, với ngư trường rộng lớn trên 11.000 km2 và với đường bờ biển dài 130km, tỉnh Quảng Ngãi cũng có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển và du lịch biển, đảo. Đây là những lợi thế nổi trội và là cơ hội mới cho các nhà đầu tư khi chọn Quảng Ngãi làm địa điểm đầu tư.

Quảng Ngãi có lợi thế về nguồn nhân lực dồi đào, là điều kiện lý tưởng cho các nhà đầu tư cần nhiều lao động, các ngành sản xuất hàng hóa tiêu dùng nhanh, thực phẩm, đồ uống, may mặc, giày dép… Hàng năm, Quảng Ngãi sẽ trích khoảng 2% ngân sách để đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về tỉnh công tác. Chính sách hỗ trợ thu hút nhân tài bắt đầu áp dụng từ ngày 1/7/2013; sau đó, từ năm 2014, tỉnh sẽ công bố danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút, đãi ngộ và hỗ trợ chính sách.

Với chính sách vừa đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ vừa mời gọi, thu hút nhân tài khắp nơi, tỉnh mong muốn tạo sức hấp dẫn mới, hướng đến việc xây dựng lực lượng lao động có phẩm chất và năng lực ngày càng cao, có nội lực, đủ sức thúc đẩy kinh tế - xã hội Quảng Ngãi phát triển đột phá, đưa nền kinh tế của tỉnh chuyển mình mạnh mẽ trong tương lai.

PV: Phát huy những kết quả đã đạt được, Quảng Ngãi sẽ thực hiện những quyết sách quan trọng gì để tiếp tục duy trì ổn định và tạo được bước phát triển mới cho kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là “Cơ hội mới về phát triển công nghiệp”, thưa ông?

Ông Phạm Như Sô: Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQ-TU về phát triển công nghiệp và Nghị quyết 02/NQ-TU về phát triển đô thị, ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục có bước phát triển đáng ghi nhận, tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2011-2012 là 2,6%/năm; tỷ trọng công nghiệp chiếm 56,5% trong GDP tỉnh; giá trị xuất khẩu tăng 21,68%/năm. Kết cấu hạ tầng các KCN, KKT Dung Quất tiếp tục được hoàn thiện; công tác thu hút đầu tư được đẩy mạnh. Trong 2 năm qua tỉnh đã cấp phép cho 46 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký 16.499,49 tỷ đồng, trong đó có một số dự án lớn có ý nghĩa quan trọng tạo tiền đề, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh như: dự án KCN - đô thị và dịch vụ VSIP, dự án Nhà máy nhiệt điện Dung Quất của Tập đoàn Sembcorp... Công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị được quan tâm, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh tính đến năm 2012 đạt 14,74%; môi trường văn hóa, nếp sống văn minh đô thị từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo bình quân tại các đô thị đến cuối năm 2012 còn 7,34%.

Từ nền tảng quan trọng này, Quảng Ngãi đã và đang tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư. Ưu tiên đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời sẽ tăng cường công tác quản lý, giám sát việc triển khai thực hiện dự án, tháo gỡ những vướng mắc, đặc biệt trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư.

Để tạo được bước phát triển mới cho kinh tế - xã hội của tỉnh; trong những năm tới Quảng Ngãi sẽ tiếp tục xúc tiến đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực theo quy hoạch được phê duyệt mà KKT Dung Quất có lợi thế cạnh tranh như hoá dầu, cơ khí, công nghiệp nặng, các ngành công nghiệp nhẹ… Tập trung phát triển mạnh các ngành công nghiệp lọc hoá dầu và sau hoá dầu, cơ khí chế tạo, luyện kim, công nghiệp phục vụ kinh tế biển... Xây dựng và phát triển một số sản phẩm công nghiệp chủ lực có sức cạnh tranh và có khả năng phát triển ổn định trong thị trường khu vực.

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tập trung mở rộng phát triển KKT Dung Quất, tạo vùng động lực phát triển công nghiệp với các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp quy mô lớn, hình thành các vùng kinh tế công nghiệp khác để tạo dựng mối liên kết giữa vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến. Đồng thời, Tỉnh cũng sẽ thúc đẩy và hỗ trợ triển khai nhanh các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN để tăng cường thu hút các dự án công nghiệp sạch, công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến, phụ trợ.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

Bích Thủy (thực hiện)


Tìm kiếm dự án

  • Từ khóa:
  • Phân loại:
  • Lĩnh vực:
  • Địa phương:

V.R.G - Long Thành Development and Investment Joint Stock Company

 

 

 

Số lượng truy cập

153818731

Đăng ký nhận email

Nhận những thông mới nhất từ chúng tôi, nhằm nâng cao cơ hội đầu tư đến với bạn.