Sau trận động đất gây sóng thần tháng 3-2011 làm thiệt hại khoảng 300 tỷ USD, Nhật Bản cần khoản ngân sách 240 tỷ USD để tái thiết đất nước, trong giai đoạn 2011-2015. Trọng tâm kế hoạch tái thiết và đưa Nhật Bản trở lại đà phát triển chính là đầu tư ra nước ngoài. “Điểm nhấn” là châu Á, trong đó có các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Việt Nam là đất nước được các nhà đầu tư Nhật Bản đặc biệt chú trọng.
Trên đây là khẳng định của Tổng biên tập Thời báo kinh tế điện tử Nikkei, ông N.Ha-xê-ga-oa tại cuộc Hội thảo “Kịch bản phục hồi và tái thiết Nhật Bản xu hướng đầu tư ra nước ngoài”, được tổ chức hôm qua (10-8), tại Hà Nội. Cuộc hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thời báo kinh tế Nikkei và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp tổ chức đã thu hút sự quan tâm của nhiều học giả, quan chức chính phủ, đại diện ngoại giao nhiều quốc gia, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hội thảo tập trung làm rõ hai vấn đề, tiến trình khắc phục thảm họa động đất và những thay đổi trong chính sách đầu tư của Nhật Bản ra nước ngoài.

Ông N.Ha-xê-ga-oa nhấn mạnh, châu Á là sự lựa chọn của Nhật Bản, bởi hiện tại Nhật Bản là một trong những nước phát triển có tỷ lệ già hóa dân số rất cao, làm thu hẹp thị trường lao động. Trong khi đó, với quy mô dân số lớn và trẻ tại của một số nước châu Á như Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a hay Việt Nam… là lợi thế vô cùng lớn để sản xuất và tiêu dùng. Ngoài ra, Nhật Bản có những thế mạnh mà các nước này rất cần, như thế mạnh về vốn, công nghệ, kỹ thuật xây dựng cơ sở hạ tầng, ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ, năng lượng mới, công nghệ môi trường… Việc hợp tác giữa Nhật Bản và các nước sẽ bổ sung các thế mạnh cho nhau cùng phát triển.
Trong cuộc trao đổi trực tiếp tại hội thảo, được hỏi điều gì đã khiến doanh nghiệp Nhật Bản tin tưởng đầu tư vào Việt Nam, ông H.Y-a-ma-ô-ca, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng, sự ổn định chính trị, sức trẻ và môi trường đầu tư tốt chính là nơi bình yên thu hút doanh nghiệp Nhật Bản.
Vậy Việt Nam đóng vai trò gì trong phục hồi và tái thiết kinh tế Nhật Bản? Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị và mạng sản xuất ở châu Á của các công ty Nhật Bản. Vị trí địa lý, vị thế chính trị và kinh tế của Việt Nam đang được Nhật Bản coi là cầu nối trong việc phát huy vai trò kinh tế của Nhật Bản ở khu vực. Điều này giải thích tại sao trong vòng vài năm qua, số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đã tăng từ một vài trăm lên hơn 1000 doanh nghiệp muốn đầu tư mới và mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Điều đó cũng giải thích tại sao Nhật Bản lại lựa chọn Việt Nam là một trong những nước ưu tiên hàng đầu trong chiến lược đầu tư ra nước ngoài. Hơn 1.500 dự án với tổng số vốn đầu tư lên tới 21 tỷ USD từ Nhật Bản đang tích cực hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế.
Việt Nam sẽ làm gì để tận dụng tốt nhất cơ hội đầu tư từ doanh nghiệp Nhật Bản? Trả lời câu hỏi này, Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng cần tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, cải cách thủ tục hành chính hơn nữa để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư tiềm năng; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; nghiên cứu các chính sách ưu đãi với các dự án đặc thù. Theo ông Tạ Ngọc Tấn, các doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư ra nước ngoài luôn có xu thế mang theo một phần năng lực sản xuất, góp phần vào sự phát triển của thị trường bên trong chính nước đó, đồng thời tạo ra một mạng lưới liên kết không chỉ trong một nước mà trong toàn khu vực và thế giới. Chính điều này góp phần thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ của Nhật Bản cho Việt Nam. Ngoài ra, với uy tín của nước Nhật, các sản phẩm luôn có sức tiêu thụ mạnh trên thế giới, Việt Nam cũng học tập được rất nhiều từ cách làm cho tới cách quản lý và tiếp thị sản phẩm từ doanh nghiệp Nhật Bản.
Thể hiện mong muốn của các doanh nghiệp Nhật Bản với phía Việt Nam, ông K.Ô-xa-đa, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành Thời báo kinh tế Nikkei trao đổi với phóng viên bên lề hội thảo: “Chúng tôi mong muốn Việt Nam cải thiện cơ sở hạ tầng hơn nữa. Ngoài ra, trong thời gian tới, chúng tôi cũng mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam phối hợp với Nhật Bản đẩy mạnh hơn nữa tiến trình xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ. Chúng tôi muốn các sản phẩm làm ra tại Việt Nam có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất, với chất lượng tốt nhất”. Đồng tình với quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Chính phủ Việt Nam đã xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp phụ trợ, với phương châm hình thành mạng lưới sản xuất trong nước thay thế dần các thiết bị phụ kiện nhập khẩu. Trước tiên tập trung vào công nghiệp phụ trợ sản xuất linh kiện, phụ kiện với tiêu chuẩn quốc tế, sau đó sẽ dần chuyển lên các sản phẩm liên quan tới công nghiệp nặng. Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã nhất trí chủ trương xây dựng Việt Nam trở thành một căn cứ gia công lắp ráp tại khu vực, gắn với chuỗi sản xuất của Nhật Bản.
-- qdnd.vn --