Chủ nhật, 06/07/2025 12:22 Sáng (GMT+7)

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ - CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ MIỀN TRUNG

Liên kết vùng trong hoạt động xúc tiến đầu tư: Giải pháp thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của vùng Tây Nguyên

1. Đặt vấn đề

Tây Nguyên là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước; có tiềm năng và lợi thế to lớn về nhiều mặt để phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp chất lượng cao, công nghiệp chế biến, năng lượng, khoáng sản và du lịch sinh thái, văn hóa. Thời gian qua, vùng được Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm với nhiều chính sách, ưu đãi hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội.

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tây Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội. Tăng trưởng GDP của Vùng bình quân hàng năm đạt 12%, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh từ 15,5 triệu đồng (năm 2010) lên đến 26,9 triệu đồng (năm 2012), cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực…

Tuy nhiên, Tây Nguyên chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có và hiện vẫn là vùng kinh tế xã hội khó khăn của cả nước. Ngoài những khó khăn cơ bản về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực qua đào tạo…thì sự hạn chế phối hợp liên kết phát triển vùng giữa 05 địa phương, đặc biệt là liên kết vùng trong hoạt động xúc tiến đầu tư (XTĐT) là một vấn đề hết sức cấp bách.  

2. Thực trạng liên kết xúc tiến đầu tư vào vùng Tây Nguyên

Thời gian qua, các địa phương trong Vùng đã có nhiều nỗ lực, hợp tác liên kết trong công tác XTĐT như: Hội nghị XTĐT Tây Nguyên được tổ chức 02 lần vào tháng 9/2009 (tỉnh Đắk Lắk) và tháng 4/2013 (tỉnh Gia Lai) dưới sự chủ trì của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ ngành liên quan; ký kết hợp tác phát triển du lịch, thương mại và du lịch giữa 02 tỉnh Lâm Đồng và Đăk Nông (tháng 6/2011); Hội nghị liên kết XTĐT Tây Nguyên và thúc đẩy giải ngân cam kết đầu tư, an sinh xã hội (tháng 12/2013)…Do vậy, tình hình thu hút đầu tư vào Vùng kể từ sau Diễn đàn XTĐT Tây Nguyên lần 1 (năm 2009) đã chuyển biến tích cực hơn với tổng vốn đăng ký đạt trên 90.000 tỷ đồng (bình quân 30.000 tỷ đồng/năm), tăng cao so với các năm trước.  

Nhưng thực tế cho thấy sự hợp tác, liên kết XTĐT giữa 05 tỉnh Tây Nguyên đến nay vẫn còn sự trùng lặp, cạnh tranh giữa các địa phương, chưa đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả cao, thể hiện bằng kết quả đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Vùng hiện còn quá hạn chế. Tính đến tháng 5/2014, Vùng mới thu hút được 152 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt gần 1,287 tỷ USD. Hiện nay, tỷ trọng FDI của Vùng mới chỉ chiếm khoảng 16,80% số dự án và 4,96% vốn đăng ký của khu vực miền Trung; bằng 0,38% số dự án và 0,54% vốn đăng ký của cả nước. Trên 70% FDI tập trung tại tỉnh Lâm Đồng và phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ với công nghệ trung bình, chưa thu hút được các dự án công nghệ cao hay tạo động lực phát triển chung.

3. Liên kết vùng trong hoạt động XTĐT nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của vùng Tây Nguyên

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác XTĐT theo hướng liên kết vùng, đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào vùng Tây Nguyên từ nay đến năm 2020, cần tập trung vào một số vấn đề cụ thể như sau:

Một là, thống nhất nhận thức về tính cấp bách, vai trò của liên kết vùng trong hoạt động XTĐT đối với đẩy mạnh thu hút FDI vào Tây Nguyên

Đội ngũ Lãnh đạo chủ chốt của các địa phương trong Vùng phải là những người tiên phong nhận thức rõ về tính cấp thiết và sự tất yếu của liên kết, giữ vai trò xúc tác và chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung liên kết đối với từng địa phương.

Hai là, đẩy mạnh đầu tư và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng

Lãnh đạo chính quyền 05 tỉnh Tây Nguyên cần tăng cường hợp tác trong việc hoàn thiện quy hoạch, phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông, đô thị, các KKT, KCN, những dự án liên vùng như: nâng cấp, cải tạo tuyến Quốc lộ 14 hiện đang xuống cấp; hiện đại hóa các sân bay Pleiku, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, các trục giao thông huyết mạch nối với TP. HCM, các thành phố, cảng biển, Khu kinh tế lớn vùng Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và các quốc gia trong Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam.

Ba là, xây dựng mô hình, cơ chế phối hợp liên kết vùng trong XTĐT vùng Tây Nguyên

- Cần sớm nghiên cứu, hình thành cơ chế phối hợp giữa các đầu mối, Trung tâm XTĐT của 05 tỉnh Tây Nguyên với nhau cũng như với Trung tâm XTĐT miền Trung ngay từ khâu nghiên cứu xây dựng chương trình, kế hoạch XTĐT đến các khâu tổ chức thực hiện và đánh giá hiệu quả. Theo đó, mọi hoạt động XTĐT cần sự điều phối chung, thống nhất của Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về thời gian và địa điểm nhằm tránh sự chồng chéo, trùng lặp giữa các địa phương, đồng thời gắn kết với chương trình XTĐT Quốc gia để tạo ra “lợi thế động”, sức mạnh chung cho toàn vùng. Cơ sở để triển khai việc này chính là Quyết định số 03/QĐ-TTg ngày 14/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế Quản lý Nhà nước đối với hoạt động XTĐT và bản Dự thảo Thỏa thuận hợp tác liên kết XTĐT vùng Tây Nguyên.

- Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Cục Đầu tư nước ngoài (đầu mối thực hiện là Trung tâm XTĐT miền Trung) cần phát huy vai trò “nhạc trưởng”, liên kết 05 tỉnh trong Vùng để thống nhất xây dựng các tóm tắt (profile) dự án cơ hội, tổ chức các Hội nghị XTĐT cấp vùng; đoàn đi XTĐT ở nước ngoài ít nhất 1 - 2 năm/lần (trên cơ sở phối hợp Đại diện XTĐT tại các địa bàn trọng điểm Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc…); XTĐT vào một số địa bàn, dự án trọng điểm; hỗ trợ nhau trong việc tiếp đón nhà đầu tư đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư; thành lập tổ liên ngành, liên vùng giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp…

- Các địa phương vùng Tây Nguyên cần phối hợp trong thực thi chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư của Trung ương và địa phương nhất quán và minh bạch, chăm sóc tốt nhà đầu tư tại chỗ…

Cuối cùng, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ liên kết vùng trong XTĐT           

- Chú trọng nâng cấp trang website phục vụ công tác XTĐT của các tỉnh Tây Nguyên theo hướng chuyên nghiệp, kết nối website của Cục Đầu tư nước ngoài, Trung tâm XTĐT miền Trung.

- Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ XTĐT của Vùng trực tuyến (online) trên internet với thông tin đầy đủ, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và thường xuyên cập nhật. 

ThS. Nguyễn Quang Anh - Trung tâm XTĐT miền Trung 

(Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư)


Tìm kiếm dự án

  • Từ khóa:
  • Phân loại:
  • Lĩnh vực:
  • Địa phương:

V.R.G - Long Thành Development and Investment Joint Stock Company

 

 

 

Số lượng truy cập

153819746

Đăng ký nhận email

Nhận những thông mới nhất từ chúng tôi, nhằm nâng cao cơ hội đầu tư đến với bạn.