Chủ nhật, 06/07/2025 10:45 Chiều (GMT+7)

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ - CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ MIỀN TRUNG

Kinh tế miền Trung không thể chỉ dựa vào "lợi thế tĩnh"

Miền Trung có thể bứt phá nhờ một thể chế có tính đột phá để cho phép sử dụng được những tiềm năng sẵn có. Nếu không, tiềm năng to lớn của miền Trung sẽ tiếp tục ngủ yên nhiều năm nữa…

Khúc ruột miền Trung tựa như chiếc đòn gánh gánh hai đầu đất nước, có một vị trí vô cùng quan trọng không chỉ về kinh tế - xã hội mà cả về an ninh quốc phòng. Cơ hội và thách thức phát triển đối với vùng duyên hải miền Trung là rất lớn, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Diễn đàn Kinh tế Miền Trung diễn ra mới đây tại Đà Nẵng.


 Miền Trung có thể bứt phá nhờ một thể chế có tính đột phá để cho phép sử dụng được những tiềm năng sẵn có 

Miền Trung có nhiều lợi thế về vị trí chiến lược, với 17 cảng biển, 15 khu kinh tế (KKT), 22 khu công nghiệp (KCN), 2 khu chế xuất (KCX), 8 sân bay, 2 xa lộ xuyên Việt, hành lang kinh tế Đông - Tây và những dự án hàng chục tỷ USD.

Tuy nhiên, hiện các tiềm năng đó vẫn chưa phát huy được lợi thế kinh tế của vùng miền, bởi các tỉnh, thành đều có những ưu thế, nhưng chưa được quy hoạch tổng thể, đang còn tồn tại sự phát triển manh mún, tự phát.

Bên cạnh đó, khó khăn chung là xuất phát điểm nền kinh tế các địa phương trong vùng thấp, tích lũy đầu tư nhỏ, hiệu quả đầu tư chưa cao. Tiềm năng, thế mạnh của các địa phương khá tương đồng (biển, du lịch, cảng biển, sân bay, KKT, nguồn nhân lực…).

Các ngành kinh tế chủ lực có sự trùng lắp nên địa phương nào cũng bị phân tán nguồn lực đầu tư cả Nhà nước lẫn tư nhân. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) ở nhiều địa phương còn ở mức thấp hoặc trung bình.

Chính vì vậy, theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ: Nếu chỉ dựa vào “lợi thế tĩnh” mà thiếu sự liên kết để tạo ra “lợi thế động” thì khó có thể đẩy mạnh sự phát triển của khu vực này.

Ông Huệ đã đưa ra 4 nhóm giải pháp, trong đó nhấn mạnh đến việc cần thiết phải rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế vùng trên cơ sở lợi thế so sánh của từng địa phương, khắc phục không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính.

Trên cơ sở các quy hoạch và kế hoạch được phê duyệt, tập trung các nguồn lực của Nhà nước và các thành phần kinh tế để đầu tư, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị và xây dựng nông thôn mới; đồng thời cần tạo lập cơ chế, chính sách để thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hình thành và phát triển các chuỗi giá trị liên kết vùng nhất là đối với những sản phẩm chủ lực. Quy định cụ thể và thực thi cơ chế điều phối vùng kinh tế.

Với tư cách chuyên gia tư vấn của vùng, TS. Trần Du Lịch cho biết: Cần xem vùng duyên hải miền Trung là địa bàn trọng điểm để thực hiện chiến lược kinh tế biển. Trong đó tập trung vào 3 nhóm ngành kinh tế chính: ngư nghiệp; du lịch biển đảo và KKT ven biển. Đưa các nội dung trên thành những chương trình quốc gia để phát triển với lộ trình cụ thể từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Việc liên kết phát triển vùng duyên hải miền Trung với Tây Nguyên cần được quy hoạch ngay từ đầu, trước hết có thể thực hiện trong lĩnh vực du lịch.

TS. Trần Du Lịch đề xuất ưu tiên bố trí các nguồn vốn đầu tư và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai một số công trình hạ tầng giao thông đường bộ trọng điểm trong vùng, đặc biệt là hoàn chỉnh việc định tuyến đối với tuyến đường cao tốc từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận; đường ven biển; xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá; phát triển mạnh đội ngũ tàu thuyền hiện đại đánh bắt xa bờ và mua gom bảo quản hải sản trên biển. Tập trung xây dựng một vài đô thị với nền kinh tế đủ mạnh là trung tâm của toàn vùng làm thành phố hạt nhân, trung tâm dịch vụ, có tác động lan tỏa, lôi kéo, thúc đẩy cho các tỉnh vệ tinh trong vùng cùng phát triển.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, với bờ biển dài 1.500 km và các cảng chiến lược, miền Trung trở thành tiền tuyến của cả nước trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Bên cạnh đó, khi AEC có hiệu lực vào cuối năm 2015 với thị trường hàng hóa chung, thị trường dịch vụ chung, đồng vốn và lao động có tay nghề được dịch chuyển qua biên giới, mở ra cơ hội và thách thức mới cho phát triển của vùng.

Miền Trung cần trở thành một trung tâm dịch vụ nhất là phát triển dịch vụ logistics cho Lào, Bắc Thái Lan với hiệu quả vượt trội về thời gian và tiền bạc so với dịch vụ qua eo biển Malacca. Các tỉnh miền Trung có thể phát triển những trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ y tế, công nghệ thông tin... để thu hút khách hàng từ Lào, Bắc Thái Lan và Myanmar.

Cùng quan điểm này, PGS - TS. Trần Đình Thiên cho rằng: Miền Trung có nhiều cảng biển đẹp và tốt, chứa đựng tiềm năng mở cửa - giao thương - kết nối toàn cầu, một lợi thế phát triển to lớn trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế và cũng là điều kiện nền tảng để hình thành các đô thị biển có đẳng cấp. Đây là một “mỏ vàng vô tận” riêng có của miền Trung. Thời tiết, khí hậu của vùng cơ bản thích hợp để phát triển du lịch đẳng cấp cao. Các tỉnh phía Nam có thời tiết khí hậu gần như quanh năm thuận lợi cho hoạt động du lịch biển.

Một điểm rất cần lưu ý trong tư duy phát triển miền Trung là việc lựa chọn du lịch làm trục phát triển chính không dẫn tới chỗ coi nhẹ các lựa chọn phát triển công nghiệp của từng địa phương. Miền Trung đang vươn lên thành một trung tâm phát triển công nghiệp – cảng biển mạnh. Điển hình là Quảng Nam với KKT mở Chu Lai, Quảng Ngãi với KKT  Dung Quất, Bình Định với KKT Nhơn Hội và Đà Nẵng với định hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao.

TSKH. Võ Đại Lược (Trung tâm Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương) nêu băn khoăn: “Giải pháp phát triển vùng KTTĐMT có thể có nhiều, song vấn đề là tổ chức thực hiện thế nào. Ở đây cần có quyết tâm chính trị của lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo các tỉnh, thành thuộc vùng. Thiếu yếu tố này khó có thể thành công”.

Một vấn đề quan trọng nữa, theo ông Võ Đại Lược, là nên tổ chức một cơ quan tư vấn cấp vùng, thu hút các học giả, các nhà quản lý ở cả 3 miền đất nước chứ không chỉ ở miền Trung. Yếu tố quyết định cho sự bứt phá của miền Trung nằm ở một thể chế có tính đột phá, cho phép sử dụng được những tiềm năng sẵn có, kết hợp lợi thế vùng, nếu không tiềm năng to lớn của miền Trung sẽ tiếp tục ngủ yên nhiều năm nữa…

Nguồn: baodautu.vn


Tìm kiếm dự án

  • Từ khóa:
  • Phân loại:
  • Lĩnh vực:
  • Địa phương:

V.R.G - Long Thành Development and Investment Joint Stock Company

 

 

 

Số lượng truy cập

153820084

Đăng ký nhận email

Nhận những thông mới nhất từ chúng tôi, nhằm nâng cao cơ hội đầu tư đến với bạn.