Thứ hai, 07/07/2025 02:04 Sáng (GMT+7)

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ - CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ MIỀN TRUNG

Kết quả sau ba năm thực hiện Nghị quyết về phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở tỉnh Đăk Nông

Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 07/4/2011 của Tỉnh ủy Đắk Nông về phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2010- 2015 và định hướng đến năm 2020 ra đời là sự quyết tâm của toàn Đảng bộ và chính quyền tỉnh Đăk Nông. Đây được xem là quyết sách, mở ra hướng đi, đưa ngành nông nghiệp phát triển theo chiều sâu, từng bước góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sau ba năm triển khai và thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, sản xuất nông nghiệp Đăk Nông đã để lại nhiều dấn ấn quan trọng, trong đó, nhiều mô hình sản xuất mới, mô hình nông nghiệp công nghệ cao được nhân rộng và mang lại hiệu quả kinh tế cao trên các lĩnh vực. Cụ thể:

Đối với lĩnh vực trồng trọt: trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, tỉnh Đắk Nông đã xác định và xây dựng định hướng phát triển bền vững các cây trồng chủ lực, có lợi thế so sánh của địa phương. Điển hình là chương trình phát triển Cà phê bền vững. Hiện nay, trên địa bàn Tỉnh đã có trên 22.000ha Cà phê tham gia thực hiện chương trình này, trong đó, có 16.443ha Cà phê tiêu chuẩn 4C với 10.246 hộ nông dân tham gia. Năng suất cà phê nhân bình quân 1,93 tấn/ha năm 2011 đến nay đã đạt 2,3 tấn/ha; sản lượng tương ứng từ 179.658 tấn năm 2011 và đạt khoảng 210.000 tấn năm 2013. Mô hình trồng Ca cao dưới tán Điều tại huyện Krông Nô cũng là mô hình đạt hiệu quả cao, so với trồng thuần, lợi nhuận tăng 35%, do đó, diện tích trồng cacao theo mô hình này ngày càng được mở rộng, đến nay, diện tích cacao đã đạt 574 ha. Mô hình chuyển giao các giống lúa năng suất chất lượng cao như lúa lai TH3 - 3, lúa thuần thơm RVT, gắn với việc xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” tại huyện Krông Nô đã giúp cho người dân dần tiếp cận với cách làm mới, đạt hiệu quả kinh tế hơn. Ngoài ra, các mô hình trồng cam Cara không hạt tại huyện Đắk G’long; Hoa ly tại các huyện Đắk R’lấp, Cư Jút và Đắk Mil; Chuối La Ba tại huyện Đắk Glong; Chanh không hạt tại xã Đắk Sin, huyện Đắk R’lấp; mô hình trồng rau quả trong nhà lưới kết hợp chế biến và bảo quản theo quy trình VietGap tại xã Đắk R’Moan, thị xã Gia Nghĩa cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao... Đến cuối năm 2013, ước tính có khoảng 7.000ha đất canh tác đạt giá trị sản xuất trên 200 triệu đồng/ha; 26.000ha đạt từ 100 triệu đến 200 triệu đồng/ha; 38.000 ha đạt từ từ 60 triệu đến dưới 100 triệu đ/ha.

Về lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản: Nhiều chương trình, dự án trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao đạt kết quả khả quan. Đáng kể như Dự án cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò thịt tỉnh Đắk Nông và Chương trình cải tạo hệ thống nuôi dưỡng động vật ăn cỏ giai đoạn 2012-2015 trên địa bàn huyện Cư Jut. Trong đó, Dự án cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò thịt tỉnh Đắk Nông, đến nay toàn tỉnh đã nhập được 150 con bò đực giống Brahman đỏ; bình tuyển được tổng cộng 5.819 con bò cái nền; phối giống đạt cho 2.969 lượt bò cái nền và sinh sản được 2.174 con bê lai F1; phối giống nhân tạo cho 134 con lai F1 và sinh sản được 42 con lai F2. Qua các chương trình và dự án trên, tỷ lệ đàn bò lai của tỉnh từ 3% năm 2004 (chủ yếu lai Red Sind) đến nay đã đạt khoảng 25%; nâng tổng đàn bò lai của tỉnh lên 3.800 con.

Nhìn chung, sau ba năm thực hiện, Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống. Nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được nhân dân áp dụng vào sản xuất nên năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên, mang lại hiệu quả kinh tế cao; góp phần to lớn vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy tiến trình Xây dựng Nông thôn mới của tỉnh.

Trung tâm xúc tiến Đầu tư tỉnh Đắk Nông


Tìm kiếm dự án

  • Từ khóa:
  • Phân loại:
  • Lĩnh vực:
  • Địa phương:

V.R.G - Long Thành Development and Investment Joint Stock Company

 

 

 

Số lượng truy cập

153820200

Đăng ký nhận email

Nhận những thông mới nhất từ chúng tôi, nhằm nâng cao cơ hội đầu tư đến với bạn.