Thứ tư, 09/07/2025 06:56 Sáng (GMT+7)

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ - CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ MIỀN TRUNG

Hội thảo khoa học “Hợp tác phát triển tiềm năng vùng Tây Bắc Quảng Nam”

Ngày 31/7/2015 đoàn Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung – Cục ĐTNN Bộ KHĐT (IPCC) do Phó Giám Đốc Lê Minh Dương làm trưởng đoàn đã đến huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) tham dự Hội thảo khoa học với chủ đề “Hợp tác phát triển tiềm năng vùng Tây Bắc Quảng Nam”. Hội thảo nhằm tìm kiếm giải pháp xây dựng mô hình liên kết để phát triển kinh tế xã hội giữa các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn.

Hội thảo có sự tham dự của Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, UBND TP Đà Nẵng, Lãnh đạo và chuyên gia của Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam; Lãnh đạo các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức.

Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo 04 huyện Đông Giang, Nam Giang, Tây giang, Phước Sơn đã giới thiệu khái quát các đặc điểm về tự nhiên, văn hoá, xã hội, kinh tế và tiềm năng thế mạnh của địa phương. Các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, thực trạng đói nghèo lạc hậu kém phát triển của địa phương và nêu ra nhu cầu bức thiết cần phải có sự phối hợp kiên kết với nhau giữa 04 huyện miền núi nhằm “đánh thức”, biến những tiềm năng, lợi thế sẵn có thành động lực phát triển kinh tế chung cho cả vùng.

PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Nguyên nhân của tình trạng kém phát triển tại khu vực này trước hết vẫn là thiếu những điều kiện cơ bản để phát triển nền kinh tế nông nghiệp- nông thôn

Ông Bhling Mia, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho rằng: Quy hoạch phát triển mà không gắn với liên kết vùng phụ trợ thì không hiệu quả, ví dụ khi phát triển cây cao su, thì cần phải kết hợp vùng phụ cận có dịch vụ hỗ trợ như chế biến, cho đầu ra…Liên kết sản phẩm du lịch, cần phải tạo ra sản phẩm riêng lẽ mang đặc thù riêng, giả sử Đông Giang, Tây Giang đều có sản phẩm dệt, A Lưới cũng có dệt thì người ta chỉ cần đến một địa phương là người ta không cần đi đến những địa phương khác. Quy hoạch liên kết vùng hay bất cứ chính sách phát triển kinh tế nào cũng đều phải gắn với vai trò của doanh nghiệp. Không có doanh nghiệp đầu tư vào thì địa phương vẫn sẽ nghèo mãi. Để có thể phát triển, khai thác được tiềm năng, địa phương cần có những cơ chế ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đỗ Tuấn Anh, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT cho rằng: Phát triển nông nghiệp, công nghiệp, nếu không có thị tứ, thị trấn, công nghiệp dịch vụ phụ trợ thì cũng sẽ không mang lại hiệu quả và không thể phát triển được, bởi đây là đầu ra ban đầu của sản phẩm người nông dân làm ra.

Theo ông Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam: Cần nhận thức rõ và tiếp cận chính xác những ưu thế của vùng liên kết để tập trung đầu tư có trọng điểm. Phải lập đề án chi tiết phát triển khu vực gắn với vùng liên kết (Đà Nẵng, Hội An…).

Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhận định: Để nâng cao hiệu quả liên kết vùng, xây dựng khu vực miền núi Tây Bắc trở thành vùng kinh tế trọng điểm, trước hết cần nâng cao được năng lực cán bộ địa phương tương thích với sự phát triển khu vực. Phải thay đổi nhận thức người dân, bỏ tư tưởng tiểu nông sản xuất sang công nghiệp dịch vụ. Chọn lọc một số ngành nghề để đầu tư phát triển. Xác định các tour/ tuyến điểm du lịch trọng điểm, kêu gọi các nhà lữ hành đến tư vấn. Gắn kết du lịch với Đà Nẵng, Hội An để kết nối du lịch rừng với du lịch biển, phát triển du lịch văn hóa bền vững. Chính quyền cần đồng hành chia sẽ khó khăn với doanh nghiệp khi họ đầu tư vào nông nghiệp, đầu tư tuyến giao thông hành lang Đông  - Tây…
“Sắp tới, tỉnh sẽ có kiến nghị với Chính phủ xin cơ chế ưu đãi cho vùng miền núi Tây Quảng Nam như cơ chế của các tỉnh Tây Nguyên. Về việc liên kết, trước hết hãy chọn ra một sản phẩm liên kết ngắn ngày nhất, lợi ích được phân đều cho các địa phương để liên kết trước rồi khi đã có hiệu quả thì từ từ nhân rộng ra các mô hình liên kết khác cho khu vực…” – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết.

Phòng TTTL -  IPCC 


Tìm kiếm dự án

  • Từ khóa:
  • Phân loại:
  • Lĩnh vực:
  • Địa phương:

V.R.G - Long Thành Development and Investment Joint Stock Company

 

 

 

Số lượng truy cập

153824007

Đăng ký nhận email

Nhận những thông mới nhất từ chúng tôi, nhằm nâng cao cơ hội đầu tư đến với bạn.