Đại diện Canon chia sẻ, hiện Canon tại Việt Nam chỉ chủ yếu lắp ráp các linh kiện nhập từ nước thứ ba. Điều này làm cho chi phí sản phẩm bị đẩy lên và tăng thủ tục nhập khẩu. Do đó, Canon đề xuất Bộ Công Thương nhanh chóng đưa ra các kế hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ, xây dựng nhà máy linh kiện để cung ứng cho các DN điện tử. Còn đại diện của Intel tại Việt Nam thì đề xuất nên rút ngắn các thủ tục tạm nhập tái xuất, thủ tục hải quan thông qua các chính sách thuế hợp lý hơn.
Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong quý I-2013, xuất khẩu từ khối DN FDI đạt 19,1 tỉ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2012; kim ngạch nhập khẩu 16,1 tỉ USD, tính chung xuất siêu 1,18 tỉ USD. Lĩnh vực xuất khẩu chủ yếu là hàng điện tử chiếm 95%. Tuy nhiên, các DN FDI phần lớn nhập nguyên liệu, gia công xuất khẩu, hàm lượng giá trị gia tăng và tỉ lệ nội địa hóa chưa cao.
l Tại Diễn đàn Điện tử thế giới thường niên lần thứ 18 ngày 14-5, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Việt Nam đang là điểm sáng đối với các công ty điện tử thế giới nhờ lợi thế xuất khẩu tốt. Có rất nhiều dự án lớn của Intel, Samsung đang được đầu tư tại Việt Nam, góp phần làm tăng đáng kể tỉ lệ xuất khẩu sản phẩm điện tử. Mới đây, hai tập đoàn Panasonic (Nhật Bản), Winter (Đài Loan) đã đầu tư xây nhà máy tại Bình Dương và Bắc Giang.
Kỳ vọng đến năm 2017, kim ngạch xuất khẩu ngành điện tử sẽ đạt 40 tỉ USD. Và Việt Nam cần khoảng 10 năm nữa để phát triển toàn diện nền công nghiệp điện tử. Diễn đàn sẽ bế mạc vào ngày 16-5-2013.
T.PHƯƠNG - V.THỊNH