Hôm nay (2-8), UBNDTP Đà Nẵng và Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, các ban, ngành chức năng có liên quan sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả của dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng sau gần 5 năm triển khai.
Theo ông Bùi Thanh Thuận, Chánh văn phòng Sở GTVT, đây là dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ODA của WB và vốn đối ứng của Đà Nẵng với tổng mức đầu tư 218,471 triệu USD, trong đó nguồn vốn ODA của WB 152,438 triệu USD và vốn đối ứng trong nước là 66,033 triệu USD. Dự án do Sở GTVT làm chủ dự án với tổng cộng 4 hợp phần được thực hiện, gồm: Nâng cấp khu vực đô thị, cải tạo cơ sở hạ tầng môi trường, xây dựng cầu đường, nâng cao năng lực và hỗ trợ thực thi dự án.
Tại cuộc họp với lãnh đạo UBNDTP Đà Nẵng giữa tháng 5-2013, đại diện WB từng đánh giá việc thực hiện dự án tại Đà Nẵng đã đảm bảo đúng tiến độ như đã cam kết và tuân thủ theo đúng quy định an toàn về môi trường, các điều kiện an toàn xã hội, đấu thầu, quản lý tài chính... Trong quá trình thực hiện dự án, TP đã tập trung xây dựng các thể chế nhằm phát triển đô thị một cách bền vững, nhiều hợp phần hoàn thành tiến độ trước thời gian quy định như cầu Nguyễn Tri Phương, đường Võ Chí Công; Xử lý, đấu nối hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt gia đình...
 |
Cải tạo sông Phú Lộc, một công trình hiệu quả từ dự án đầu tư cơ sở hạ tầng
ưu tiên Đà Nẵng. Ảnh: Phương Kiếm |
Thông qua việc triển khai nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu thu nhập thấp, khu tái định cư và chương trình cho vay cải tạo nhà ở, dự án đã nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp 3 cho 13 khu thu nhập thấp với các hạng mục đầu tư xây dựng hệ thống đường bê-tông nhựa, bê-tông xi-măng kiệt hẻm, đường dây điện chiếu sáng, hệ thống cấp nước, thoát nước và đấu nối thoát nước và cơ sở hạ tầng xã hội gồm các nhà cộng đồng, trường mẫu giáo, chợ. 3 khu tái định cư (Thanh Khê Tây, Hòa Minh, Hòa Quý) với tổng diện tích 18,3 ha; 3 chung cư (diện tích sàn xây dựng 18.000m2) và một trường học 20 phòng bảo đảm điều kiện học tập cho con em các hộ bị ảnh hưởng dự án cũng đã hoàn thành, bàn giao cho nhân dân sử dụng với 212 căn hộ, 586 lô đất, góp phần phục vụ tốt cho nhu cầu tái định cư của dự án và đảm bảo cuộc sống cho người dân vùng giải tỏa có điều kiện sinh hoạt tốt hơn so với trước đây. Bên cạnh đó, từ nguồn quỹ tín dụng nhỏ cải tạo nhà ở trị giá 1 triệu USD do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng quản lý, thực hiện theo cơ chế vay lại với lãi suất ưu đãi 4%/năm cũng đã giúp cho nhiều người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tính đến cuối tháng 6-2013, quỹ đã giải ngân gần 2.000 món vay với tổng số tiền 28,320 tỷ đồng, trong đó 1.792 món vay mục đích cải tạo nhà ở với số tiền 26,845 tỷ đồng.
Cùng với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các khu tái định cư, thu nhập thấp, dự án còn xây dựng nhiều công trình trọng điểm khác như cầu đường Nguyễn Tri Phương đi Hòa Quý với hơn 6,83 km, đường vành đai phía Nam (hơn 6,45 km). Đây là hai tuyến đường có ý nghĩa chiến lược quan trọng, làm nền tảng cho sự mở rộng toàn bộ đô thị, kết nối trung tâm thành phố với những vùng đất mới phía Đông Nam, vùng đất trước đây từng được xem là vùng rốn lũ của địa phương.
Hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển Đà Nẵng thành thành phố môi trường, việc đầu tư triển khai hợp phần cải tạo cơ sở hạ tầng môi trường của dự án đã nhận được sự đồng tình ủng hộ cao từ phía người dân. Còn nhớ khi dự án chưa triển khai, môi trường dọc con sông Phú Lộc là điểm nóng về ô nhiễm một thời khiến người dân ăn không ngon, ngủ không yên. Nhưng hôm nay tất cả đã khác khi được dự án đầu tư xây dựng, hoàn thành hơn 1.900m kênh mương, nạo vét 57.000m3 bùn và xây dựng hệ thống bê-tông nhựa, cống thoát nước mưa, thoát nước thải. Không chỉ cải tạo triệt để dòng sông ô nhiễm mà ven sông còn hình thành 2 tuyến đường rộng, sạch, tạo nên một góc khu đô thị mới, khang trang, góp phần thay đổi diện mạo cảnh quan đô thị, giúp hàng ngàn hộ dân quanh khu vực có điều kiện sống, sinh hoạt tốt hơn.
Bên cạnh đó, những công trình như “thí điểm đấu nối hộ gia đình, chiến lược quản lý nước thải, mô hình thủy lực cho hệ thống thoát nước” cũng đã được triển khai đầu tư có hiệu quả. Cụ thể, đã cung cấp 1.601 đấu nối nước thải vào hệ thống thoát nước cấp ba được nâng cấp. Ở các khu vực thí điểm, tỷ lệ đấu nối tăng từ dưới 10% lên đến khoảng 50-60%. Từ mô hình thủy lực cho hệ thống thoát nước sẽ là công cụ quan trọng. Hay việc xây dựng mới trạm xử lý nước thải Hòa Xuân, hiện nay đã giúp cho khâu xử lý nước thải tại khu vực Cẩm Lệ và giảm tải công suất xử lý nước thải tại Hòa Cường với diện tích trạm là 20 ha, công suất xử lý giai đoạn 1 là 20.000m3/ngày đêm.
Ông Bùi Thanh Thuận cho biết, trong suốt thời gian triển khai dự án, đã có 24 khóa đào tạo chuyên ngành được tổ chức thành công với sự tham gia 400 lượt cán bộ của hơn 20 sở, ngành, đơn vị, quận, huyện của thành phố tham gia. Thông qua các chuyến tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ từng bước được nâng lên rõ rệt. Đánh giá về quá trình thực hiện dự án, ông Thuận cho rằng, sự thành công lớn nhất phải kể đến vai trò và trách nhiệm của người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng của dự án cũng như việc chú ý lắng nghe những lời dân nguyện của Ban Điều hành dự án.
Công Hạnh