Với sản lượng hơn 30 ngàn tỷ đồng/năm, quy mô công nghiệp của Đà Nẵng lớn hơn hầu hết các tỉnh miền Trung. Đóng góp vào sản lượng này tập trung vào số ít DN lớn, trong khi ở Đà Nẵng có khoảng 12 ngàn DN. Vì vậy, chỉ một nhóm DN lớn của Đà Nẵng nhích lên, thì giá trị công nghiệp sẽ tăng cao.
Ông Phan Văn Kha - Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cho biết, nhóm DN lớn này có thể kể đến Hòa Thọ với hơn 1.400 tỷ/năm, thép Dana - Ý trên 1.000 tỷ, cao su Đà Nẵng hơn 1.000 tỷ, rồi Nhà máy bia VN, sữa Vinamilk, thủy sản Thuận Phước, Mabuchi mortor, Foster, Daiwai... Đây đều là các DN lớn đủ lực đứng vững vàng ngay cả khi khủng hoảng kinh tế. Vì vậy, nhóm này luôn có sự ổn định và phát triển, đóng góp vào sự phát triển ổn định chung của ngành công nghiệp TP.
Ông Kha phân tích, sở dĩ các DN này luôn ổn định bởi vì hoạt động theo quy mô lớn, đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, năng động trong tìm kiếm thị trường. Đơn cử như Dệt may 29-3 đầu tư dây chuyền Nhà máy Veston sông suất 180 ngàn bộ/năm; Cty Cao su Đà Nẵng với DA Nhà máy lốp xe tải Radial công suất 600 ngàn lốp/năm; DA nhà máy lắp ráp ô-tô Nissan của Cy TCIE Việt Nam công suất 6.500 chiếc/năm; DA nâng công suất nhà máy bia VBL từ 100 triệu lít/năm lên 150 triệu lít/năm... Như vậy có thể thấy công nghiệp Đà Nẵng đang chuyển dịch theo hướng chuyên sâu, giá trị cao thay vì phát triển bề rộng như trước.

|
Trong 6 tháng đầu năm 2013, sản lượng công nghiệp may mặc của Hòa Thọ tăng 17%. |
Ông Thái Bá Cảnh - Trưởng BQL các KCN và Chế xuất Đà Nẵng cho biết, không thể phủ nhận những đóng góp của các DN nhỏ, tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, thời làm ăn lớn, toàn cầu, thì nền công nghiệp sẽ chuyển dịch sang quy mô những DN đầu tàu. Có một cách cho các DN nhỏ tồn tại là tham gia một phần nhỏ trong chuỗi sản xuất của DN lớn. Ông Cảnh nói, công nghiệp Đà Nẵng đang được định hình bởi một số DN quy mô lớn, dẫn dắt các ngành như sản xuất cao su, may mặc, sữa, bia, ô-tô... Nhà máy sữa của Vinamilk tại Đà Nẵng hiện đứng thứ 2 Đông Nam Á, Nhà máy lắp ráp ô-tô Nissan hiện đã lắp ráp 500 xe, dự kiến lên 1.700 xe vào cuối năm nay, chỉ tính riêng tiền thuế thu cũng hơn 200 triệu đồng/chiếc. Rồi Cty cao su Đà Nẵng đã đầu tư 3.000 tỷ đồng cho dây chuyền sản xuất lốp ô-tô tải; Công suất sản xuất của các nhà máy thép ở Đà Nẵng tới 600 ngàn tấn/năm. Như vậy, chính các “ông lớn” này đang định hình chuyển dịch rõ rệt cho nền công nghiệp Đà Nẵng.
Khánh Hòa có thương hiệu Khatoco (thuốc lá, yến sào...); Quảng Ngãi gắn với bánh kẹo, đường, xăng dầu; Quảng Nam gắn với Trường Hải, còn Đà Nẵng gắn với thương hiệu gì? “Để đánh giá công nghiệp một địa phương thì thương hiệu của địa phương đó rất quan trọng” - ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Cty thủy sản Thuận Phước nói. Vì thế, theo ông Lĩnh ,TP nên tập trung vào công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, coi đó là nền tảng chứ không chỉ tập trung hết cho dịch vụ. Đơn cử trong lĩnh vực thủy sản, Đà Nẵng hiện có 22 DN nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ chiếm 30%, trong khi một DN Thuận Phước chiếm 70% trong số ấy. Đây cũng là một trong 10 nhà xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2013, DN này xuất đạt 36 triệu USD, là thương hiệu Đà Nẵng khá nổi tiếng ở Nhật, Mỹ, EU. Đà Nẵng hoàn toàn có thể hỗ trợ xây dựng Thuận Phước thành thương hiệu thủy sản nổi tiếng.
10 năm, Công nghiệp Đà Nẵng đã có những bước phát triển vượt bậc, nhưng nếu đặt lên “bàn cân” với các đô thị loại I thì vẫn còn một khoảng cách khá xa. Như vậy, để công nghiệp Đà Nẵng thực sự mạnh, ngoài sự chuyển dịch chiều sâu, quy mô lớn thì cần phải hình thành các thương hiệu địa phương nổi tiếng.
Hải Hậu