Trong những năm qua, trải qua chặng đường 15 năm xây dựng và phát triển, đến nay hoạt động của các KCN trên địa bàn ngày càng sôi động, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Tỉnh. Đã có 06 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 với tổng diện tích đất quy hoạch 2.168,76 ha.
Việc hình thành và phát triển các KCN trên cơ sở khai thác và phát huy tốt tiềm năng thế mạnh của Tỉnh là hạt nhân và động lực phát triển chung của toàn Tỉnh; đã và đang tạo ra bước đột phá trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường bền vững; đồng thời kéo theo sự phát triển các loại hình dịch vụ, đáp ứng nhu cầu hoạt động của các doanh nghiệp trong các KCN …
Một số kết quả đạt được như sau:
Không ngừng tăng cường thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào các KCN, phát triển công nghiệp gắn với quy hoạch đã được phê duyệt.
Tính đến nay, có 90 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 18.203 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư trong nước là 13.649,4 tỷ đồng và vốn đầu tư nước ngoài là 218,8 triệu USD; vốn thực hiện ước đạt 4.094,06 tỷ đồng và 149,74 triệu USD. Thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng tăng lên. Nếu như giai đoạn 1999-2008, có 8 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 66,7 triệu USD, thì trong giai đoạn 2009-2013, số dự án đầu tư là 13 dự án, tăng 62,5% số dự án với vốn đầu tư trên 152,1 triệu USD, tăng 128%.

Các nhà đầu tư đến từ các nước như: Mỹ, Nhật, Bulgary, Hàn Quốc, Pháp, Đan Mạch, Trung Quốc, Hồng Kông,… Ngoài những đóng góp đáng kể trong thu hút đầu tư nước ngoài, các KCN còn là một trong những giải pháp để thực hiện chủ trương phát huy nội lực của các thành phần kinh tế trong nước. Nếu như trong giai đoạn 1999-2008, chỉ có 29 dự án đầu tư trong nước thì trong giai đoạn 2009-2013, số dự án trong nước đã tăng trên 40 dự án, tăng 37,9% so với giai đoạn 1999-2008.
Tỷ suất vốn đầu tư trên diện tích đất công nghiệp đã cho thuê bình quân đạt 59 tỷ đồng/ha. Tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp: KCN Phú Bài giai đoạn 1&2 đạt trên 90%; KCN Phú Bài giai đoạn 4 đạt 9,1%; KCN Phong Điền: khu A đạt 32,87%, khu B đạt 90%; KCN La Sơn đạt 19%; KCN Tứ Hạ đạt 6,1%; KCN Phú Đa đạt 6,4%.
Phát triển các ngành công nghiệp dệt may, thúc đẩy giá trị xuất khẩu.
Cho đến nay, các doanh nghiệp KCN đã đóng góp tỷ trọng khá lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh. Đặc biệt giai đoạn từ năm 2009 đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) đã chiếm 45% so với giá trị SXCN của toàn tỉnh, ước đạt 8.554 tỷ đồng, tăng 1,75 lần so với giai đoạn 1999-2008.

Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp KCN không ngừng được nâng cao, chiếm tỷ trọng 67% so với kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh trong giai đoạn 2009-2013, đạt 1.321,4 triệu USD. Đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu trong những năm qua phải kể đến các doanh nghiệp sản xuất và gia công các sản phẩm may mặc, các doanh nghiệp sản xuất sợi, … Trong năm 2013, các doanh nghiệp này đã xuất khẩu tổng giá trị đạt 340,29 triệu USD, chiếm 93,2% trong tổng số giá trị kim ngạch xuất khẩu của các khu công nghiệp. Góp phần đưa ngành công nghiệp dệt may của TT-Huế phát triển bền vững và sớm trở thành Trung tâm dệt may của miền Trung giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp KCN đóng góp một tỷ lệ nộp ngân sách khá lớn cho ngân sách của Tỉnh nhà. Nếu như giai đoạn 1999-2009 nộp ngân sách đạt 3.712 tỷ đồng; tỷ lệ tăng bình quân đạt 11,5%/năm thì giai đoạn 2009-2013 đạt 5.684,9 tỷ đồng, tăng 53,2% so với giai đoạn 1999-2009; tỷ lệ tăng bình quân 36,4%/năm.
Năm 2013, nộp ngân sách ước đạt 1.264,9 tỷ đồng, tăng 46,6% so với năm 2012. Góp phần vào giá trị nêu trên, phải kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH Bia Huế với 1.049,23 tỷ đồng, chiếm 81% so với toàn KCN

Giải quyết công ăn việc làm, đào tạo nguồn nhân lực.
Lực lượng lao động trong các KCN gia tăng cùng với sự gia tăng các dự án trong các KCN. Trong giai đoạn 1999-2008, các KCN đã thu hút 6.000 lao động thì đến nay, số lao động hiện có tại các KCN đạt trên 16.000 người, tăng gấp 2,67 lần so với giai đoạn 1999-2008; bình quân 1 ha đất công nghiệp tạo việc làm cho 105 lao động.
Các KCN là nơi sử dụng lao động có chuyên môn kỹ thuật phù hợp với công nghệ mới áp dụng vào sản xuất, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh. Đặc biệt, đã từng bước hình thành mô hình liên kết đào tạo và sử dụng nhân lực giữa các doanh nghiệp KCN với các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh. Tỉnh đã phê duyệt Đề án nhà ở cho công nhân tại các KCN giai đoạn 2012-2015 và định hướng đến năm 2020. Đến nay, đã có 02 dự án xây dựng nhà ở cho công nhân ở KCN Phong Điền do Công ty Scavi làm chủ đầu tư và đã tạo ra 400 chỗ ở cho công nhân; dự án nhà ở cho công nhân tại KCN Phú Bài đang được xúc tiến.

Thu nhập bình quân của người lao động tại các KCN không ngừng được nâng lên, bình quân từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài tiền lương hàng tháng, nhiều doanh nghiệp đã phụ cấp chi phí đi lại, ăn ca, lưu trú cho công nhân. Nhờ vậy, lực lượng lao động tại các doanh nghiệp KCN ngày càng ổn định; đặc biệt, đầu năm 2014, sau thời gian nghỉ Tết lực lượng lao động đã trở lại làm việc đạt trên 99,96%.
Ngoài việc tạo việc làm trực tiếp cho người lao động tại các doanh nghiệp KCN, những địa bàn có KCN hoạt động còn góp phần vào việc thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, tạo thêm việc làm cho người lao động và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở các địa phương.
Nguồn iz.thuathienhue.gov.vn