Thứ ba, 08/07/2025 10:07 Sáng (GMT+7)

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ - CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ MIỀN TRUNG

Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai đã chọn hướng đi phù hợp và tiếp tục thu hút được nhiều nhà đàu tư

Khu kinh tế mở Chu Lai là khu kinh tế ven biển đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập vào ngày 05/6/2003, với tổng diện tích tự nhiên là 32.400 ha, bao gồm 16 xã, phường, thị trấn, thuộc địa bàn vùng Đông của huyện Núi Thành và thành phố Tam Kỳ.

Sự hình thành Khu kinh tế mở Chu Lai có ý nghĩa vô cùng quan trọng với một  tỉnh nghèo sau ngày tái lập (năm 1997). Vì vậy, tại Lễ công bố Quyết định thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam vào ngày 25/7/2003, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nay là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, xem đây là một khâu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để phát triển nhanh, bền vững của nước ta; việc đầu tư xây dựng thành phố Đà Nẵng, thành phố trực thuộc Trung ương và xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi và hôm nay ra đời Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam là một bước đột phá trong chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Đầu tư phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai là nhằm khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý kinh tế thuận lợi trong giao thương quốc tế và trong nước, tạo thêm động lực mới để thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam; đồng thời cùng với sự đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng và Khu kinh tế Dung Quất sẽ góp phần tạo ra động lực mạnh mẽ và sự lan tỏa nhanh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Sau gần 12 năm đi vào hoạt động, Khu kinh tế mở Chu Lai đã đạt được những thành tựu quan trọng như: Cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đến nay, trên địa bàn Khu kinh tế mở Chu Lai có 92 dự án đã cấp phép còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 1,307 tỷ USD, trong đó có 63 dự án đã đi vào hoạt động, với tổng vốn thực hiện 793 triệu USD. Một số dự án quy mô lớn đã đầu tư như Tổ hợp Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải, các nhà máy ôtô tải, ôtô du lịch, ôtô khách, các nhà máy cơ khí, sản xuất phụ tùng và công nghiệp phụ trợ, với tổng công suất 55.000 xe/năm, tổng vốn đầu tư 400 triệu USD; Nhà máy kính nổi Chu Lai công suất 1.300 tấn/ngày đêm, vốn đầu tư 150 triệu USD; Nhà máy sản xuất soda Chu Lai công suất 200.000 tấn/năm, vốn đầu tư 120 triệu USD; Khu du lịch sinh thái Chu Lai, tổng vốn đầu tư 25 triệu USD; Khu du lịch sinh thái Cát Vàng Chu Lai, tổng vốn đầu tư 50 triệu USD... Chưa tính một số dự án mang tầm quốc gia đang được xúc tiến đầu tư vào Khu KTM Chu Lai trong năm 2015 như: dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An; dự án Khu liên hợp công nghiệp, đô thị dịch vụ Việt Hàn - Chu Lai; dự án sản xuất dòng xe Mazda; dự án Khí – điện. Ngoài ra, Chính phủ chọn thí điểm Dự án xử lý chất thải, nước thải môi trường đô thị Chu Lai Núi Thành, với số tiền 25 triệu Euro từ nguồn vốn ODA Đức sau khi ký kết Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đức. (Đây là dự án đầu tiên được Chính phủ ưu tiên thí điểm tại Khu kinh tế mở Chu Lai nằm trong 15 Khu kinh tế ven biển Việt Nam); Đồng thời Chính phủ đã chỉ đạo xúc tiến công nghiệp dịch vụ hàng không thông qua dự án đầu tư phát triển Sân bay Chu Lai theo quy hoạch của Chính phủ (Sân bay trung chuyển hàng hóa quốc tế, Trung tâm dịch vụ bão dưỡng duy tu, sửa chữa máy bay).

Về hiệu quả kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp không ngừng tăng cao và phát triển đều qua các năm, giai đoạn 2006-2012 đạt 7.013 tỷ đồng (giá cố định 1994), trong đó năm 2012 đạt 1.900 tỷ đồng, chiếm 12,9% toàn tỉnh (1900/14.765). Giá trị xuất khẩu giai đoạn 2006-2012 đạt 214,8 triệu USD chiếm 11,4% toàn tỉnh, trong đó năm 2012 đạt 60 triệu USD. Và trong những năm gần đây Khu kinh tế mở Chu Lai đã đóng góp trên 50% tổng thu ngân sách tỉnh.

Cùng với những đóng góp vào nguồn thu ngân sách của Tỉnh, Khu KTM Chu Lai đã tạo ra sản phẩm công nghiệp chủ lực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh (ôtô, kính xây dựng, sản phẩm điện tử, hóa chất…). Riêng lĩnh vực sản xuất và lắp ráp ô tô đã góp phần vào việc phát triển ngành công nghiệp cơ khí ô tô Việt Nam, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện nay, Công ty ô tô Chu Lai Trường Hải là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất sản xuất và lắp ráp đủ cả 3 dòng xe: Xe tải, xe khách và xe du lịch, với tỷ lệ nội địa hóa cao nhất (xe khách 52%, xe tải 46% và xe du lịch 16%).

Tham gia giải quyết việc làm không những cho nhân dân vùng dự án mà còn cả trong toàn tỉnh và khu vực, góp phần tạo sự ổn định chính trị xã hội, giải quyết việc làm thường xuyên cho 11.145 lao động tại các doanh nghiệp, trong đó có 90% là lao động người Quảng Nam; ngoài ra còn một số lượng lớn lao động gián tiếp và công nhân xây dựng tại các dự án.

Ngay từ đầu đầu năm 2015, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đã tiếp tục thu hút được Tập đoàn dệt may Panko Hàn Quốc đầu tư dự án dệt may vào Khu công nghiệp Tam Thăng, với tổng nguồn vốn đăng ký trên 30 triệu USD, diện tích 30 ha. Cùng với Tập đoàn Panko, một số doanh nghiệp phụ trợ ngành dệt may của Hàn Quốc cũng đăng ký đầu tư. Đây là các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính và thị trường toàn cầu, đặc biệt là xuất khẩu.

(Ảnh: Đ/c Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng- Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Đ/c Nguyễn Đức Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Nam thực hiện nghi thức khởi công dự án xây dựng kết cấu hạ tầng KCN và Đường trực chính vào KCN Tam Thăng ngày 23/3/2015).

Để tạo ra một hạ tầng kết nối đồng bộ, sớm đưa dự án dệt may và công nghiệp phụ trợ ngành dệt may đi vào hoạt động và tạo môi trường hấp dẫn tiếp tục thu hút các nhà đầu tư lớn tiếp tục đầu tư vào khu công nghiệp này, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đã giao cho Ban Quản lý Dự án hạ tầng (đơn vị trực thuộc Ban Quản lý) làm chủ đầu tư dự án xây dựng đường trục chính vào Khu công nghiệp Tam Thăng có điểm đầu giao với QL1A, thuộc địa phận xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, điểm cuối giao với đường cứu hộ, cứu nạn thành phố Tam Kỳ, thuộc địa phận xã Bình Nam, huyện Thăng Bình; tổng chiều dài tuyến là: 5,8 km, được quy hoạch 4 làn xe, mặt cắt: 34m, từ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ, với tổng nguồn vốn là: 230 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là: 160 tỷ đồng. Và UBND tỉnh đã giao cho Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Chu Lai làm chủ đầu tư dự án đầu tư kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tam Thăng, với tổng nguồn vốn là 360 tỷ đồng, diện tích 200 ha. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh đã thống nhất kế hoạch trung hạn 2016-2020 để tiếp tục đầu tư vào Khu công nghiệp Tam Thăng là: 415 tỷ đồng, gồm các hạng mục: Khu tái định cư; Khu xử lý chất thải rắn tập trung - hệ thống xử lý nước thải; Cơ sở hạ tầng tái định cư, nhà ở công nhân và Khu nghĩa trang.

(Ảnh: Cầu Cửa Đại nối bờ sông Thu Bồn)

Cùng với những nổ lực của Khu kinh tế mở Chu Lai, sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự quan tâm của các Bộ-ngành Trung ương và Chính phủ những hạ tầng quan trọng thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai như: cầu Cửa Đại, tuyến đường ven biển nối từ Hội An đến Chu Lai sẽ được khánh thành, đưa vào sử dụng trong nay mai và những dự án có quy mô lớn sẽ được đầu tư là những động lực quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển, góp phần sớm đưa Quảng Nam trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020.

                                                                            Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai


Tìm kiếm dự án

  • Từ khóa:
  • Phân loại:
  • Lĩnh vực:
  • Địa phương:

V.R.G - Long Thành Development and Investment Joint Stock Company

 

 

 

Số lượng truy cập

153821532

Đăng ký nhận email

Nhận những thông mới nhất từ chúng tôi, nhằm nâng cao cơ hội đầu tư đến với bạn.