Với vai trò quan trọng của thương mại điện tử, Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016 - 2020 nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển, đưa thương mại điện tử trở thành một hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến trong đại bộ phận doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước và nhân dân trong tỉnh; góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp; thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hịện đại hóa phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế hiện nay.
Trên cơ sở nguồn vốn đầu tư phát triển trung hạn giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, tỉnh vận động các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại điện tử; phấn đấu đạt 100% doanh nghiệp sử dụng thư điện tử trong hoạt động giao dịch và trao đổi thông tin; 50% doanh nghiệp có website riêng; 30% doanh nghiệp tham gia website thương mại điện tử để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ và thúc đẩy việc ứng dụng các tiện ích hỗ trợ người tiêu dùng tham gia thương mại điện tử...
Cùng với việc xây dựng vận hành và khai thác có hiệu quả Sàn giao dịch thương mại điện tử, tỉnh Quảng Trị triển khai dịch vụ công trực tuyến tương tác giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp về cung cấp thông tin phục vụ điều hành và phát triển sản xuất kinh doanh; xây dựng và triển khai kế hoạch hợp tác phát triển thương mại điện tử với các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và các địa phương trên Hành lang kinh tế Đông - Tây.
Tuy nhiên, hiện nhân lực bố trí cho công tác thương mại điện tử tại các cơ quan nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu. Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên cán bộ chuyên trách về thương mại điện tử chiếm tỉ lệ rất ít, chủ yếu là kiêm nhiệm. Kinh phí ngân sách đầu tư cho phát triển thương mại điện tử còn hạn hẹp nên một số nội dung của kế hoạch chưa triển khai được; môi trường pháp lý cho thương mại điện tử đang từng bước được hoàn thiện, nhưng phần lớn mới là các văn kiện dưới luật, quyền lợi của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều chưa được bảo đảm bằng một hệ thống pháp luật hợp lý.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng website nhưng vẫn chỉ dừng ở mức cung cấp thông tin sản phẩm, dịch vụ chưa có chức năng bán hàng, thanh toán trực tuyến trên website. Môi trường xã hội và tập quán kinh doanh cùng với nhận thức của người dân cũng là một trong những trở ngại cần được tháo gỡ trong thời gian tới.
Sau 5 năm triển khai thương mại điện tử (2011 - 2015), trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 100% doanh nghiệp sử dụng thư điện tử trong hoạt động giao dịch và trao đổi thông tin; 40% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật định kỳ thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp; 30% doanh nghiệp tham gia các website thương mại điện tử để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp..../.