Thứ tư, 09/07/2025 11:55 Sáng (GMT+7)

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ - CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ MIỀN TRUNG

Thách thức từ yêu cầu xuất xứ hàng hóa đối với ngành dệt may

Quy định về xuất xứ hàng hóa đang đặt ra nhiều thách thức lớn cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam khi tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực. 

Đây là vấn đề được đặt ra tại hội thảo khoa học chuyên đề công nghệ dệt may Việt Nam - Hàn Quốc 2015, do Cục Công tác phía Nam Bộ Khoa học và Công nghệ và Văn phòng đại diện Viện Công nghệ công nghiệp Hàn Quốc phối hợp tổ chức ngày 9/9, tại Tp. Hồ Chí Minh.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, mặc dù ngành dệt may Việt Nam tăng trưởng liên tục nhiều năm nay và là một trong những nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, gần 70% doanh nghiệp trong ngành dệt may Việt Nam là may mặc, trong số đó, chủ yếu gia công và là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hầu hết nguyên liệu sợi, vải phục vụ cho ngành phải nhập từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc và Hàn Quốc. Khả năng sản xuất sợi dệt nhuộm của Việt Nam còn thiếu và yếu.

Đánh giá về những khó khăn trên, ông Moon Byung Chul, Tham tán thương mại, Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết, đó là những trở ngại đối với ngành dệt may khi TPP có hiệu lực, do phải áp dụng quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi (yarn-forward). Yêu cầu này đòi hỏi ngành dệt may phải có nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc các nước trong TPP. Khi đó các nhà xuất khẩu hàng may mặc từ Việt Nam sang Mỹ sẽ khó được thụ hưởng mức thuế ưu đãi, nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may hiện nay là 55%. Tỷ lệ này chưa cao là do khâu dệt nhuộm còn yếu, khiến việc sản xuất sợi dệt nhuộm hạn chế theo. Để đáp ứng yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, đòi hỏi phải thúc đẩy lĩnh vực dệt nhuộm trong nước phát triển. Theo bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, khi đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề đất đai. Hầu hết các địa phương từ chối các dự án đầu tư sản xuất vào dệt nhuộm hạn chế sản xuất do lĩnh vực này có khả năng gây ô nhiễm môi trường khá lớn.

Đơn cử như một doanh nghiệp dệt may Hàn Quốc đầu tư vào Khu công nghiệp Tây Ninh. Khi xét duyệt đề án đã cho phép doanh nghiệp đầu tư sản xuất dệt nhuộm, nhưng sau đó lại khống chế không được nhuộm cho cơ sở khác mà chỉ được nhuộm theo lượng vải sản xuất. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp vì công suất nhuộm đã được hình thành từ khi xây dựng đề án, việc hạn chế này đồng nghĩa với “giết chết” doanh nghiệp.

Trước tồn tại này, bà Đặng Phương Dung cho rằng, Nhà nước nên chăng có các quy hoạch cụ thể vùng miền được phép xây dựng các nhà máy hoặc cụm công nghiệp dệt nhuộm. Đồng thời, trang bị, cung ứng luôn cơ sở hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải để kêu gọi các doanh nghiệp FDI vào đầu tư. Từ đó, có thể dễ dàng giám sát vấn đề môi trường của các doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc đầu tư nghiên cứu R&D, sản xuất những loại vải có kỹ thuật cao và có tính khác biệt. Đây là hướng đi mà doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét để có nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm./.

Theo http://dangcongsan.vn/


Tìm kiếm dự án

  • Từ khóa:
  • Phân loại:
  • Lĩnh vực:
  • Địa phương:

V.R.G - Long Thành Development and Investment Joint Stock Company

 

 

 

Số lượng truy cập

153824241

Đăng ký nhận email

Nhận những thông mới nhất từ chúng tôi, nhằm nâng cao cơ hội đầu tư đến với bạn.