Thứ ba, 06/06/2023 04:51 Chiều (GMT+7)

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ - CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ MIỀN TRUNG

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM HƯỚNG ĐẾN XÂY DỰNG CÁC CƠ QUAN XÚC TIẾN ĐẦU TƯ HIỆU LỰC, CHUYÊN NGHIỆP VÀ HIỆU QUẢ

  1. 1. Đặt vấn đề.

Để xúc tiền đầu tư một cách hiệu quả và chuyên nghiệp chúng ta cần có một chiến lược xúc tiến đầu tư hiệu quả, đây là một trong những cách làm cơ bản, thành công của các quốc gia, vùng miền trên thế giới. Một trong những bước để xây dựng một chiến lược xúc tiến đầu tư tốt và hiệu quả cần phải xác định tầm quan trọng, chiến lược của cơ quan xúc tiến đầu tư là đơn vị mũi nhọn và các cơ quan liên quan đến thúc đẩy và hỗ trợ đầu tư, cũng như vai trò và sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương, các địa phương trong cùng khu vực với nhau.

Nhu cầu cạnh tranh toàn cầu về FDI đang tăng cường và điều này thể hiện qua số lượng các cơ quan XTĐT (IPA) ngày càng tăng, họ không ngừng cải thiện trình độ và năng lực. Thực tiễn thành công yêu cầu các quốc gia và IPA giám sát cạnh tranh và kết quả đạt được để tìm cách hiểu và mô phỏng tiến trình đạt được qua các đối thủ có liên quan. Đây là một quá trình học hỏi không ngừng để cho tất cả các IPA mong muốn tìm kiếm nguồn vốn FDI mới. Việc thúc đẩy quá trình kiểm tra tiêu chuẩn và thường xuyên để so sánh hiệu suất FDI với các quốc gia, vùng miền khác có thể giúp cung cấp thông tin và phát triển các chính sách, chương trình xúc tiến đầu tư. Việc này giúp thiết lập các mục tiêu cụ thể cho các dự án đầu tư mới và các chỉ số khác. Tại sao một số quốc gia hoặc khu vực đạt được mức đầu tư cao hơn? Những yếu tố nào ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư và có lợi cho họ? những lợi thế cạnh tranh nào họ có và cái có thể phù hợp với các quốc gia và khu vực khác? Đây là một số vấn đề mà kiểm tra tiêu chuẩn có thể giúp giải thích và hướng dẫn phát triển chinh sách nhằm quảng bá tốt hơn cho IPA và mạng lưới của họ.

Đối với Việt Nam và các địa phương trong cả nước có cạnh tranh với các đối thủ lớn được không? Việt Nam cũng nhưng các địa phương có cạnh tranh với các IPA khác trên thế giới, khu vực và các địa phương khác trong cùng quốc gia không? Và làm thế nào để Việt Nam cũng nhưng địa phương đạt chuẩn với các quốc gia, cũng như giữa các IPA địa phương với nhau? Đó chính là nhưng câu hỏi để chúng ta hướng đến xây dựng các IPA chuyên nghiệp và hiệu quả.

Nhiều nghiên cứu của các tổ chức trên thế giới như OECD, Ngân hàng thế giới, EU và giới hàn lâm khẳng định tầm quan trọng của IPA trong việc thúc đẩy FDI, đầu tư tư nhân với điều kiện IPA cần phải được tạo điều kiện để thực hiện đúng và có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ vốn có. Bởi vì thị trường toàn cầu phát triển các công nghệ cho phép tiếp cận vô số sản phẩm và dịch vụ mới, FDI ngày càng quan trọng đối với nhiều quốc gia để tăng trưởng và phát triển, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Hiện nay, tất cả các quốc gia khối OECD, EU cũng như các quốc gia lớn trên thế giới đều có các IPA và các chương trình tích cực để thúc đẩy đầu tư.

2.Hiện trạng hoạt động của các cơ quan xúc tiến đầu tư tại Việt Nam

* Thành tựu đạt được

- Về bộ máy tổ chức: theo thống kê năm 2020 của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), về cơ bản hầu hết các địa phương có đơn vị chuyên môn làm công tác xúc tiến đầu tư với 54/63 địa phương. Trong đó, có 14 đơn vị là cấp Sở chiếm 26%, 34 đơn vị trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư chiếm 63%, 01 đơn vị thuộc BQL KCN KKT và 05 đơn vị thuộc Văn phòng UBND tỉnh chiếm 9%. Trong đó có 18 đơn vị thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại và du lịch, chiếm khỏng 33%. Tổng số cán bộ là 1.143 người chiếm khoản 0,04% số CC,VC cả nước.

- Năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 và bão lũ đã làm cho hoạt động XTĐT, sản xuất, kinh doanh của nhiều địa phương bị ngưng trệ trầm trọng. Tuy nhiên, các địa phương đều đã rất quan tâm, tích cực chỉ đạo, tổ chức thực hiện các hoạt động XTĐT có trọng tâm, trọng điểm, đổi mới phương thức XTĐT để thích ứng với bối cảnh xã hội, tình hình chung trong năm qua. Các địa phương cũng đẩy mạnh công tác XTĐT tại chỗ, tập trung nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư và doanh nghiệp…

- Các tỉnh, thành trong khu vực đã nỗ lực huy động hiệu quả sự phối hợp tích cực của các Sở, ban ngành, địa phương và đơn vị liên quan trong công tác XTĐT . Thông qua đó, đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư trong điều kiện tình hình kinh tế, xã hội của nhiều địa phương còn khó khăn.

- Nhiều tỉnh thành cả nước tiếp tục thực hiện công tác rà soát các dự án không triển khai thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện, tránh tình trạng dự án “treo” gây lãng phí tài nguyên đất; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện của các dự án trên địa bàn về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư…Qua đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.

- Công tác XTĐT tại các địa phương đã được chú trọng nhiều hơn trước. Một số địa phương tiếp tục thành lập các Tổ xúc tiến hỗ trợ đầu tư để kêu gọi đầu tư vào các huyện, thị xã, thành phố và hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án, hỗ trợ tích cực cùng với các cơ quan liên quan trong công tác XTĐT.

* Hạn chế, tồn tại

Theo nhận xét của Ngân hàng thế giới “hơn 70% các giai đoạn trung gian xúc tiến đầu tư có thể bị bỏ lỡ đầu tư nước ngoài bởi không cung cấp cho các nhà đầu tư thông tin chính xác và kịp thời”. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài phản ảnh việc phản hồi chậm và thông tin chưa chuyên sâu để giúp họ đánh giá hiệu quả hơn khi lựa chọn địa điểm đầu tư. Nhiều trang web có nhiều thông tin lỗi thời, không được cập nhật thường xuyên và chưa có đầy đủ các ngôn ngữ mà các nhà đầu tư thường sử dụng. Mặc dù hiện nay được Chính phủ và các địa phương trong toàn quốc quan tâm nhiều hơn, tuy nhiên thực tiễn tại Việt Nam công tác XTĐT vẫn chưa có chiều sâu, thiếu đồng bộ, chưa theo sát yêu cầu của nhà đầu tư; một số hoạt động XTĐT mới dừng lại ở khâu tiếp xúc, giới thiệu mà chưa có sự theo bám quyết liệt, chưa làm cho nhà đầu tư thấy rõ tiềm năng, lợi thế và lợi ích kinh tế mang lại cho mình khi đầu tư kinh doanh tại địa phương. Đến nay vẫn chưa thu hút được nhiều dự án lớn, các dự án có hàm lượng công nghệ cao. Nhiều dự án triển khai chậm tiến độ do năng lực của nhà đầu tư, do những khó khăn liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng; công tác quy hoạch, quản lý đất đai phục vụ xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, nông nghiệp còn chưa được chú trọng đúng mức…

3.Lý thuyết và một số thực tiễn tốt trên thế giới về xúc tiến đầu tư

Quay trở lại hoạt động xúc tiến đầu tư, theo định nghĩa của GS.Louis T.Well và GS. Alvin Wint Đại học Harvard “Xúc tiến đầu tư là công cụ thu hút đầu tư, là các hoạt động quảng bá, phổ biến thông tin hoặc nỗ lực tạo ra hình ảnh một địa điểm đầu tư và cung cấp dịch vụ đầu tư cho các nhà đầu tư tiềm năng”.

Theo đó, những chức năng chính của cơ quan xúc tiến đầu tư, gồm: Xây dựng hình ảnh đầu tư; Tạo thuận lợi và cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư; Cung cấp thông tin và tạo lập đầu tư; Tư vấn và vận động chính sách.

* Xây dựng hình ảnh địa điểm đầu tư

Việc xây dựng hình ảnh tạo ra nhận thức về một quốc gia hay một khu vực, địa phương như là địa điểm hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế. Các hoạt động chung thường liên quan đến tạo dựng hình ảnh gồm: Quảng cáo, sự kiện, PR, tạo dựng những câu chuyện cụ thể, tin tức về thu hút và hoạt động của các nhà đầu tư thông qua kết nối, phối hợp và tranh thủ hỗ trợ của phóng viên báo chí, truyền hình…

* Tạo thuận lợi và cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư tiềm năng

Hỗ trợ dịch vụ và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư liên quan đến phạm vi các dịch vụ hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc phân tích, ra quyết định đầu tư, thành lập doanh nghiệp và duy trì hoạt động trong doanh nghiệp. Dịch vụ “một cửa” (one – stop shop) nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình phê duyệt và hỗ trợ trong việc được bố trí, thuê địa điểm đầu tư, tiếp cận sử dụng các tiện ích.v.v…

* Cung cấp thông tin và tạo lập đầu tư

Hoạt động tạo lập đầu tư xác định các lĩnh vực và công ty cụ thể nhằm dẫn dắt các nguồn đầu tư. Các hoạt động bao gồm xác định các lĩnh vực và nhà đầu tư tiềm năng, gửi thư mời, gọi điện trực tiếp, tổ chức các diễn đàn và hội thảo với nhà đầu tư…Việc tạo lập đầu tư được thực hiện cả trong và ngoài nước.

* Tư vấn và vận động chính sách

Vận động chính sách bao gồm các hoạt động hỗ trợ cụ thể mà cơ quan xúc tiến đầu tư tham gia phục vụ cho sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng của môi trường đầu tư và xác định quan điểm của khu vực tư nhân về vấn đề này. Các hoạt động có thể bao gồm: khảo sát khu vực tư nhân, tham gia vào các nhóm công tác, đề xuất, khuyến nghị nhằm hoàn thiện chính sách và pháp chế, vận động hành lang.v.v…

Ngoài ra, theo các tổ chức quốc tế liệt kê đầy đủ các chức năng của IPA bao gồm: Thông tin cho nhà đầu tư; Xây dựng hình ảnh và quảng bá; Tiếp cận: bán hàng/tiếp thị trực tiếp; Tạo thuận lợi đầu tư/phục vụ; Chăm sóc và phục vụ nhà đầu tư; Liên kết và tích hợp; Giám sát hiệu quả và đạt hiệu quả và Vận động chính sách.

Như vậy, để trở thành một cơ quan xúc tiến đầu tư chuyên nghiệp, hiệu quả các IPA cần thực hiện tốt, đầy đủ các chức năng này, dĩ nhiên theo đó là hàng loạt các hoạt động cụ thể để triển khai thực hiện các chức năng này.

Những nghiên cứu của OECD và Ngân hàng thế giới đưa ra các đặc điểm tạo nên thành công chính cho IPA, bao gồm các nội dung:

- Bảo vệ và hỗ trợ tích cực cho IPA ở cấp Chính phủ

- Quan hệ đối tác và gắn kết với khối tư nhân (ví dụ: HĐQT, nhóm tư vấn…)

- Hiểu biết về cạnh tranh toàn cầu và nhu cầu cần phải cạnh tranh

- Lãnh đạo IPA tham gia với các đối tác chính trị và xã hội

- Tập trung vào ngành tăng trưởng

- Chiến lược và các mục tiêu cụ thể cần được làm rõ với các hệ thống giám sát hiệu quả

- Định hướng có kết quả về đạo đức và văn hóa

- Phương pháp tiếp cận dựa trên thực tế cho tất cả các vấn đề trong tất cả các chức năng của IPA

- Văn hóa dịch vụ khách hàng – tương tự như các công ty thương mại lớn

- Chủ động tham gia với các công ty ở tất cả các giai đoạn của chu kỳ đầu tư

Ngoài ra, Tập đoàn tư vấn hàng đầu của Hoa Kỳ là The Mckinsey đưa ra mô hình 7S mẫu chuẩn cho các cơ quan. Theo tập đoàn này các cơ quan thành công nhất trong việc thu hút FDI thường phát triển các tổ chức xây dựng, cộng với phát triển các yếu tố này trong cách tiếp cận và hoạt động của họ. Các nguyên tắc 7S, bao gồm: Shared value (giá trị được chia sẻ); Structure (cấu trúc); System (hệ thống); Style (phong cách); Staff (nhân viên); Skill (kỹ năng); và Strategy (chiến lược).

 

* Kinh nghiệm thực tiến trên thế giới

Hiên nay, trên thế giới có nhiều cơ quan XTĐT hiệu quả và thành công, có thể kể đến như : IDA Ireland, Hongkong invest, EDB Singapore, Kotra Hàn Quốc, Czech invest...

Đầu tiên, phải khẳng định những cơ quan trên là cơ quan XTĐT tầm Quốc gia, dưới sử chỉ đạo của Tổng thống, Thủ tướng, Thủ hiến (người đứng đầu Chính quyền), có đủ thẩm quyền, chức năng như đúng tính chất đặc thù của loại hình cơ quan này.

Thực tiễn ở Ailen, Hàn Quốc, Singapore và một số quốc gia thành công, hoạt động hỗ trợ, chăm sóc sau đầu tư được các IPA coi trọng, nó chiếm đến 70% số lượng FDI thu hút mới. Các yêu cầu trợ giúp từ IPA cho các Bộ và cơ quan quản lý được coi là tương đương với yêu cầu từ Văn phòng Thủ tướng, IPA giữ vai trò lãnh đạo vào điều phối. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng các IPA lớn như EDB Singapore, MIDA Malaysia hay IAD Ireland… được hưởng lợi từ môi trường đầu tư rất tốt, ít giấy phép, phê duyệt và giải phóng mặt bằng thuận lợi hơn các quốc gia khác.

Tại Hàn Quốc, Luật Xúc tiến đầu tư nước ngoài được ban hành và sửa đổi năm 2017, trong đó qui định một số chức năng, thẩm quyền của cơ quan XTĐT nhằm đảm bảo cho hoat động này hoạt động hiệu quả. Ví dụ, theo Điều 15 (Thành lập Trung tâm Hỗ trợ Đầu tư Nước ngoài, v.v.):

Trung tâm Hỗ trợ Đầu tư Nước ngoài (sau đây gọi là "Trung tâm Hỗ trợ Đầu tư") sẽ được thành lập trực thuộc Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) theo quy định của Đạo luật Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư để cung cấp hoặc tiến hành, trực tiếp hoặc theo ủy quyền, tư vấn, hướng dẫn, quảng cáo, nghiên cứu và kiến ​​nghị dân sự liên quan đến đầu tư nước ngoài và thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ toàn diện cho các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong trường hợp cần thiết để thực hiện đúng mục đích công việc liên quan đến đầu tư nước ngoài, người đứng đầu Cơ quan này có thể yêu cầu các cơ quan hành chính, tập đoàn hoặc tổ chức có liên quan đến đầu tư nước ngoài (sau đây gọi là "cơ quan liên quan đến đầu tư nước ngoài") cử công chức hoặc cán bộ, nhân viên của mình đến thực hiện các dịch vụ tại Trung tâm hỗ trợ đầu tư. Người đứng đầu cơ quan hành chính có liên quan hoặc người đứng đầu cơ quan có liên quan đến đầu tư nước ngoài cử công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền theo quy định không được đối xử bất lợi đối với cán bộ được cử về thăng chức, chuyển vị trí, khen thưởng và các biện pháp phúc lợi.

 

* Các tiêu chí lựa chọn những IPA tốt nhất:

Theo hiệp hội các cơ quan xúc tiến đầu tư thế giới (WAIPA) và tạp chí Site Selection đưa ra các tiêu chí lựa chọn IPA tốt nhất, gồm những nội dung sau:

- Chuyên nghiệp đáp ứng các nhu cầu nhất

- Nhân viên sở hữu kiến thức tốt nhất và đa dạng ngôn ngữ

- Cung cấp quyền truy cập vào cơ sở dũ liệu thân thiện với người dùng (nói chung và theo ngành)

- Thông tin sẵn có, thời gian chờ đợi của giấy phép và qui trình khác

- Kết nối với các nhà đầu tư gần đây trong khu vực, những người có thể bảo đảm cho quốc gia/khu vực và cơ quan IPA

- Danh tiếng tốt nhất về bảo vệ bí mật nhà đầu tư

- Danh tiếng cho các dịch vụ chăm sóc sau đầu tư

          - Trang web: có dễ điều hướng không, có nhiều dữ liệu và thiết kế hiện đại, hiệu quả không?

          Hiện nay, các cơ quan xúc tiến đầu tư tốt nhất trên thế giới (cấp quốc gia, vùng) do tạp chí Site Selection bình chọn như sau:

- Châu Á – Thái Bình Dương có EDB Singapore, Kotra Hàn Quốc, Invest Hongkong, Invest Thượng Hải

          - Châu Âu có Germany Trade and Invest, cơ quan phát triển công nghiệp Ailen (IDA Ireland), HIPA Hungary, Business Birmingham.

          - Châu Phi và Trung Đông có Bahrain EDB, Invest in Isreal, Dubai FDI

          - Châu Mỹ Latin có Pro Mexico, Invest Pacific (Columbia)….

Và nhiều quốc gia, vùng miền khác trên thế giới.  

          4.Một số đề xuất kiến nghị.

Như đề cập ở trên, để hoạt động XTĐT hiệu quả, thành công không chỉ do một chức năng, một đơn vị quyết định mà là sự tổng hoà của nhiều chức năng, nhiệm vụ và sự tham gia của nhiều cơ quan thẩm quyền có liên quan, trong đó, IPA như là một cơ quan tiên phong, cần có sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan chức năng khác thì công việc mới diễn ra suông sẻ, tránh tình trạng trên rải thảm dưới rải đinh, đầu voi đuôi chuột...Theo đó, để được như vậy, IPA cấp Quốc gia và các địa phương cần có một thẩm quyền mà Luật qui định và cho phép có thể đề nghị các cơ quan khác cùng tham gia vào hoạt động hỗ trợ đầu tư.  

          - Nghiên cứu qui hoạch mạng lưới hệ thống ngành về xúc tiến đầu tư và hoàn thiện cơ cấu bộ máy và chức năng của cơ quan xúc tiến đầu tư.

Nghị quyết 50/NQ-TƯ của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh vai trò và nhiệm vụ của công tác xúc tiến đầu tư, và để thể chế hóa chủ trương đó Quốc hội, Chính phủ đã đưa chủ trương đúng đắn này vào Luật Đầu tư 2020 và xây dựng một chương riêng về hoạt động xúc tiến đầu tư trong Nghị định 31/2021/NĐ-CP, Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT về hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư 2020. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có một quy định pháp lý nào của Trung ương quy định mô hình cơ quan xúc tiến chung, áp dụng cho tất cả địa phương. Như vậy thì rất khó trong công tác phối hợp vận động xúc tiến liên kết vùng, liên vùng. Do đó, cụ thể chủ trương và chính sách này, chúng ta cần đẩy mạnh xây dựng qui hoạch mạng lưới ngành về xúc tiến đầu tư, hoàn thiện cơ cấu bộ máy và chức năng của cơ quan xúc tiến đầu tư như đã đề cập và phân tích ở trên như là một cơ quan đầu mối có đủ thẩm quyền và hiệu lực, xứng tầm với nhiệm vụ đối với hoạt động XTĐT.  Hiện nay, vẫn có tư duy xem việc giải quyết khó khăn là việc của cơ quan quản lý nhà nước khiến Trung tâm là đơn vị sự nghiệp cũng gặp không ít khó khăn. Đây cũng là một trong những lý do mà một số nhà đầu tư chạy thẳng đến các Sở mà bỏ qua chức năng xúc tiến của Trung tâm.

- Tăng cường phối hợp, hỗ trợ từ cơ quan Trung ương

Tăng cường xây dựng mối quan hệ, qui chế phối hợp giữa cơ quan Trung ương, vùng và địa phương; trong đó, tăng cường vai trò hỗ trợ chuyên môn, năng lực và tham gia hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc từ Trung ương cho các cơ quan xúc tiến địa phương. Cần tăng cường các hoạt động đối thoại với nhà đầu tư ở cả cấp vùng và địa phương. Định kỳ tổ chức các đoàn công tác liên ngành, hội nghị cấp vùng để đối thoại, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các nhà đầu tư; tăng cường sự kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong việc cấp các quyết định chủ trương, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đúng theo quy định của pháp luật. Cần ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về các chương trình XTĐT một cách đồng bộ.

Trên thực tế hiện nay có nhiều địa phương trong cùng một khu vực, vùng miền có những tiềm năng, đặc điểm, lợi thế đầu tư khá tương đồng. Do vậy, trong quá trình XTĐT có những hoạt động cạnh tranh lẫn nhau, manh mún và thiếu hợp tác ảnh hưởng đến kết quả thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án lớn, liên vùng. Trên thế giới có nhiều quốc gia, khu vực có tính liên kết rất cao, phân công vai trò, hợp tác rõ ràng nhờ đó đã tạo ra sự cộng hưởng lớn giúp cho các doanh nghiệp ngày càng phát triển. Do đó, cần tăng cường, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, chức năng điều phối của cơ quan XTĐT cấp vùng là cánh tay nối dài của Trung ương nhằm hạn chế nhược điểm trên và góp phần tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn hơn cho các khu vực đó. 

- Xây dựng năng lực và chỉ số đánh giá hiệu quả của các cơ quan xúc tiến đầu tư

Hiện nay, tại Việt Nam đã và đang triển khai áp dụng nhiều chỉ số đánh về môi trường đầu tư như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI),  chỉ số đánh giá hoạt động cải cách hành chính (PAR), chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI)…Đây là những sáng kiến, chỉ số đóng vai trò rất quan trong trọng việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, quản trị, hành chính công của các cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương nơi tiếp xúc với đối tượng là doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân đã góp phần thay đổi nhận thức, hành động của chính quyền góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc, qua đó tăng cường thu hút có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư vào địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, các chỉ số này đánh giá dựa trên các đối tượng đã có mặt, hoạt động tại Việt Nam. Còn rất nhiều các nhà đầu tư tiềm năng trên thế giới đang tiếp tục tìm kiếm thông tin, cơ hội đầu tư, tuy nhiên như đã đề cập ở trên tính cạnh tranh giữa các quốc gia hiện nay là rất lớn, do vậy chúng ta cần khẳng định, thể hiện năng lực của mình với các cơ quan XTĐT khác trên thế giới, khu vực và địa phương để các nhà đầu tư dễ dàng biết đến và tiếp cận, qua đó tạo cơ hội để thu hút các nguồn vốn đầu tư. Rõ ràng rằng, khi các nhà đầu tư tìm kiếm địa điểm đầu tư, dịch vụ đầu tư, họ sẽ ưu tiên lựa chọn những nơi có cơ quan xúc tiến đầu tư chuyên nghiệp đầu tiên. Khi nhắc đến Châu Á chắc chắn nhà đầu tư sẽ nghĩ ngay đến EDB Singapore, Invest HK, Thượng Hải, Thẩm Quyến, Hàn Quốc…và trên thực tế có thể khẳng định những Quốc gia, vùng lãnh thổ này là một trong nhưng địa bàn thu hút đầu tư FDI lớn nhất, hiệu quả trong khu vực. Hầu hết các nhà đầu tư đa quốc gia, chiến lược (MNC) đều tập trung ở những địa bàn này, từ đó họ mới mở rộng đầu tư ra các quốc gia khác đang phát triển trong khu vực, trong đó có Việt Nam chúng ta.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nghiên cứu phối hợp với các tổ chức quốc tế, các cơ quan liên quan xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng các cơ quan xúc tiến đầu tư trong nước nhằm chuẩn hóa cơ quan, đội ngũ làm công tác xúc tiến đầu tư, từng bước tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, nâng cao năng lực của các cơ quan này giúp cho các nhà đầu tư nước ngoài nhanh chóng biết đến danh tiếng, thương hiệu của các cơ quan xúc tiến đầu tư, qua đó tăng cường tiếp xúc trao đổi và đi đến đầu tư hiệu quả, chất lượng tốt nhất, đảm bảo nguyên tắc win-win, có lợi cho địa phương và cho nhà đầu tư.

          - Một số giải pháp khác

 Tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, địa phương về đầu tư chuyên ngành, chuyên sâu, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu vẫn còn bị ảnh hưởng bởi dịch covid, chúng ta cần tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để đa dạng cơ sở dữ liệu, nguồn thông tin và cách tiếp cận các đối tác trên không gia mạng internet, tăng cường quảng bá trên các kênh truyền thông chuyên ngành, các thị trường trọng điểm, các tổ chức quốc tế lớn, uy tín; tăng cường năng lực chuyên môn, kỹ năng, ngoại ngữ…cho đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu phối hợp với các Trường, Viện nghiên cứu chuẩn hóa các chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng những kỹ năng, chuyên môn có liên quan cho đội ngũ làm công tác xúc tiến đầu tư.

Và cuối cùng, xây dựng chiến lược xúc tiến đầu tư, chiến lược nâng tầm, danh tiếng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan xúc tiến đầu tư cấp Quốc gia, vùng miền và các địa phương trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt là một nhiệm vụ rất cần thiết, cấp bách và cần có lộ trình, các giải pháp căn cơ thực hiện cụ thể. Có được điều này, tôi tin rằng các IPA không những sẽ gõ đúng, trúng và kéo được những nhà đầu tư danh tiến, những dự án đầu tư có chọn lọc với công nghệ cao, tiên tiến, qui mô lớn vào Việt Nam, mà còn có thể góp phần xây dựng một hệ thống doanh nghiệp trong nước lớn mạnh trên cơ sở tiếp cận, liên kết với khối doanh nghiệp FDI để cùng nhau phát triển, học hỏi nền khoa học, công nghiệp tiên tiến của thể giới và tiến đến làm chủ các công nghệ mới, tích luỹ nguồn vốn, kinh nghiệm...để họ trở thành một bộ phận kinh tế quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Quốc gia và địa phương.

 

Nguồn tham khảo: Cục Đầu tư nước ngoài, Tài liệu của Ngân hàng thế giới, OECD, Đại học Harvard, tài liệu tập huấn của chuyên gia IDA Ireland, tạp chí Site Selection…

Ths.Lê Minh Dương – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 


Tìm kiếm dự án

  • Từ khóa:
  • Phân loại:
  • Lĩnh vực:
  • Địa phương:

V.R.G - Long Thành Development and Investment Joint Stock Company

 

 

 

Số lượng truy cập

153161211

Đăng ký nhận email

Nhận những thông mới nhất từ chúng tôi, nhằm nâng cao cơ hội đầu tư đến với bạn.